Startup là từ được nhắc đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt từ khi chương trình “Shark Tank” được công chiếu thì Startup ngày càng được chú ý nhiều hơn và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Định nghĩa Startup là gì? Startup có vai trò quan trọng như thế nào đối với một nền kinh tế?
Định nghĩa Startup
Startup là gì?
Thuật ngữ “Startup” có nguồn gốc từ Mỹ vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX và trở nên phổ biến hơn vào cuối thập niên 90 như là một dấu hiệu về sự phát triển rực rỡ về công nghệ và internet. Cuối cùng vào khoảng năm 2000 trở đi thì Startup đã thực sự bước vào giai đoạn bùng nổ.
Thuật ngữ Startup – Khởi nghiệp, xuất hiện để mô tả và xác định một công ty mới bước vào giai đoạn đầu có tiềm năng tăng trưởng cao hơn bình thường do công nghệ mà công ty đang phát triển.
Điều này tương thích với thời kì phát triển của internet kể từ những năm 90. Các công ty khởi nghiệp này được biết đến như là các công ty khởi nghiệp trên internet hay rộng hơn là các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Và thời gian đầu thuật ngữ “Startup” được biết đến dành cho những startup công nghệ.
Song bước vào giai đoạn mới như hiện nay thì thuật ngữ Startup có những thay đổi và được định nghĩa rộng hơn, đầy đủ hơn.
Theo trang Investopedia của Mỹ, Startup là công ty đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động. Startup thường được cấp vốn bởi chính những người sáng lập viên để phát triển sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có nguồn cung. Do nguồn lợi ban đầu khi mới phát triển khá hạn chế và cần đầu tư nhiều vốn nên hầu hết các startup với quy mô nhỏ thường không ổn định trong dài hạn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư bên ngoài.
“Startup is an organization designed to search for a repeatable and scalable business model.” – Steve Blank
Theo Steve Blank, Startup là một tổ chức được tạo ra để tìm kiếm một ô hình kinh doanh có thể mở rộng và tái hoạt động trở lại.
“Startup là một nhóm những người có tài năng kinh doanh phát triển các sáng tạo mới, ở dạng có thể nhận dạng và có thể đầu tư đang tiến hành xác thực và nắm bắt giá trị của sự đổi mới được tạo ra – với tham vọng phát triển nhanh với mô hình kinh doanh có thể mở rộng để có tác động tối đa”.
Theo CEO Warby Parker, startup là một tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất. Các startup được thiết kế cho những tình huống không thể mô hình hóa và độ rủi ro không nhất thiết phải lớn nhưng chưa tính toán được.
Còn Adora Cheung – Đồng sáng lập và CEO của Homjoy, là một trong những startup đình đám tại Mỹ năm 2013 cho rằng: “Startup là một trạng thái tinh thần. Khi mọi người gia nhập công ty của bạn và đưa ra những quyết định cứng rắn thay vì chấp nhận sự ổn định để đổi lấy lời hứa tăng trưởng mạnh và sự phấn khích mang lại những thay đổi ngay lập tức”.
Trong một số từ của Mỹ và Anh thì định nghĩa Startup là công ty mới thành lập. Song vấn đề được đặt ra ở đây là startup mới thành lập có thời gian là bao nhiêu? Điều đó khiến cho nhiều người hiểu lầm rằng startup là có tuổi đời ngắn khoảng từ 1 đến 2 năm.
Theo Paul Graham – lập trình viên, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, sáng lập viên của Y-Combinator (quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ đầu tư cho các ý tưởng mới) cho rằng: “Một công ty 5 năm tuổi cũng có thể là một startup”. Như vậy, hoàn toàn nhận xét rằng thời gian không phải là thước đo để xác định một công ty có phải là startup hay không.
Nhiều sáng lập viên đồng thuận quan điểm cho rằng startup được định nghĩa bởi văn hóa chứ không phải là đặc tính cụ thể như tuổi đời hay quy mô. “Giai đoạn startup vẫn cứ được duy trì nếu môi trường công ty cảm thấy như vậy. Tôi cho rằng điểm chuyển giao không phải là một số người cụ thể mà bởi chính môi trường doanh nghiệp”. Russell D’Souza – đồng sáng lập viên SeatGeek chia sẻ.
Tóm lại định nghĩa Startup theo một cách đơn giản và dễ hiểu là một tổ chức được khởi xướng bởi những người có cùng ý tưởng sáng tạo, phát triển ý tưởng đó thành một mô hình tăng trưởng, kiếm được lợi nhuận.
Ban đầu startup thường bị nhầm lẫn là một công ty công nghệ. Tuy nhiên, đây chỉ là một đặc tính tiêu biểu của startup bởi mục tiêu tăng trưởng cao, ý tưởng thành lập mới mẻ. Ngày nay, startup là công ty phát triển có sự góp mặt của công nghệ chứ không phải internert, điện tử nữa.
Vai trò của Startup trong một nền kinh tế
Startup mang lại những cải tiến mới cho thị trường, đặc biệt là những sáng tạo đột phá hơn. Các công ty startup tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút nhân tài có nhiệt huyết cống hiến và nhân tài quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo nghiên cứu của Kauffman Foundation và Viện Cạnh tranh & Thịnh vượng (Mỹ) cho biết: “Trong hai mươi lăm năm qua, hầu như tất cả các việc làm trong khu vực tư nhân đều được tạo ra bởi các doanh nghiệp dưới 5 năm tuổi. Từ năm 1988 đến năm 2011, các công ty hơn 5 năm tuổi đã phá hủy nhiều việc làm hơn so với những gì họ tạo ra trong trừ 8 năm đó”.
Cái đích mà các Startup thường hướng là gì?
Thông thường, các startup đều muốn sau này không còn là startup. Thời hạn cho quá trình chuyển giao này thường là 3 năm. Khi đó, thường có một số yếu tố xuất hiện: được mua lại bởi một công ty lớn hơn, hay có hơn 1 văn phòng, doanh thu lớn hơn 20 triệu USD, có hơn 80 nhân viên hay ban quản trị có trên 5 người. Đặc biệt, khi một công ty đã có lợi nhuận thì thường được coi là đã “tốt nghiệp” startup.
Song việc quyết định bán công ty (startup được mua lại) hay không phụ thuộc nhiều vào quyết định của các sáng lập viên. Hầu hết chẳng startup nào muốn bán công ty của mình trừ khi quá khó khăn về vốn. Đương nhiên đó không phải là mục tiêu của tất cả các startup. Bởi nếu thế thì làm sao có được sự thành công vượt bậc của những công ty như Facebook hay Google?
Một đặc điểm then chốt của startup là khả năng tăng trưởng. Như Graham giải thích, startup được thiết kế để tăng trưởng không giới hạn và nhanh nhất có thể. Đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt startup với doanh nghiệp nhỏ.
Phân biệt Startup với Entrepreneur (lập nghiệp) và “Small business ”
Small business và Startup.
Mặc dù như đã trích dẫn ở một vài cách định nghĩa trên, startup bắt buộc phải là công ty về công nghệ, nhưng hiện tại để giải quyết các vấn đề mới, theo kịp thì trường thì có lẽ ứng dụng công nghệ là hướng đi đa số các startup phải lựa chọn. Vì thế mà cứ nhắc đến startup là người ta lại liên tưởng ngay đến công nghệ (xin nhấn mạnh là công nghệ nói chung chứ không chỉ công nghệ thông tin). Đây cũng là lý do mà trong một quy ước không chính thức, người ta vẫn hay dùng Small business startup – Small business để phân biệt với Startup vốn được hiểu rộng rãi là những công ty, dự án công nghệ.
Cho một ví dụ dưới đây:
An và Bình là hàng xóm của nhau. Cả hai đều thấy cần phải có thêm bóng mát ở sân sau nhà mình. Nghĩ là làm ngay, Bình ra tiệm mua một cái dù lớn, dù hơi mắc tiền một chút nhưng có xài ngay, đỡ mệt đầu.
An lại chọn hướng khác, cô rủ thêm bạn góp tiền đi ra chợ mua về nhà một cây nhỏ. Ai cũng nghĩ An bị khùng, và quả đúng là cô ấy có tí khùng thật vì sau khi trồng vào sân sau, bóng mát của cây chỉ đủ cho vài con kiến! Đã vậy, trong khi Bình ung dung ngồi cà phê dưới bóng mát của dù thì ngày nào An cũng phải đằm mình trong nắng gắt để tưới cây, nhổ cỏ. Thế mà cũng chẳng ăn thua. Được vài tuần cây chết vì không hợp thổ nhưỡng, thiếu phân bón…
An không bỏ cuộc, cô lại cùng bạn tiếp tục chọn các loại cây khác để trồng. Cuối cùng một trong số cây họ hú họa chọn về đã bám rễ và phát triển rất nhanh. Dù vậy, nó vẫn chưa tạo được bóng mát cũng không cho quả, trái lại còn hút rất nhiều nước, và tiêu tốn vố số công sức thời gian và tiền bạc của An và bạn cô.
Nhưng rồi vài năm sau thì cái cây mà An trồng cũng lớn. Nó tỏa bóng mát không chỉ cho sân sau nhà An mà còn cho mấy nhà lân cận hưởng sái. Cây còn cho quả và nhiều lợi ích khác nữa. Trong khi đó cái dù của Bình mua thì vẫn vậy là một cái dù vô tri vô giác như ban đầu, không lớn hơn, thậm chí còn xuống cấp đi rất nhiều so với ban đầu.
An và bạn của cô là ví dụ về một startup còn Bình là ví dụ về small business.
Small business là một công ty được thiết kế với mục đích tạo ra doanh số, lợi nhuận làm hàng đầu và thậm chí là mong muốn có lợi nhuận ngay từ ngày đầu tiên. Nó không đòi hỏi nhiều đầu tư như startup và ít rủi ro hơn startup. Tuy nhiên small business lại ít có khả năng mở rộng, phát triển to lớn hơn. Startup thì ngược lại, chẳng những không đưa đến lợi ích tức thời mà còn tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về vốn và nhân lực mà còn gặp nhiều thất bại trước khi có được một dự án, sản phẩm thành công. Nhưng một khi đã thành công thì startup tạo ra nhiều lợi ích dài hạn, nhân rộng và có thể tạo “mầm để mọc thêm các cây con”.
Entrepreneur và Startup.
Startup – khởi nghiệp và Entrepreneur – lập nghiệp.
Theo Từ điển Oxford, Entrepreneur là một người kiếm tiền bằng cách bắt đầu công việc kinh doanh hoặc vận hành công việc kinh doanh, đặc biệt là khi việc này bao gồm sự chấp nhận rủi ro về tài chính.
Như vậy Entrepreneur dùng để chỉ một kiểu người yêu thích rủi ro, chọn việc kinh doanh để kiếm tiền. Và theo Eric Ries các startup được quản trị bằng tinh thần, kỹ năng của entrepreneur (lập nghiệp). Eric Ries cho rằng, entrepreneur (lập nghiệp) cần được coi là một chức danh công việc có ở các công ty hiện đại.
Nói cách khác những người tham gia startup chính là những entrepreneur (lập nghiệp) nhưng entrepreneur (lập nghiệp) không nhất thiết phải làm startup mà họ có thể làm small business, business.
Những yếu tố nhất định phải có của một Startup
Giá trị cốt lõi – Tầm nhìn – Sứ mệnh
Những giá trị đầu tiên của một startup chính là cốt lõi – tầm nhìn – sứ mệnh của công ty. Giá trị đó có thể là tốc độ, cũng có thể là dịch vụ khách hàng đặc biệt. Giá trị cốt lõi đó có thể giúp bạn định hình được văn hóa công ty, môi trường làm việc.
Giá trị công ty mạnh mẽ sẽ bắt đầu với tầm nhìn mạnh mẽ. Có sự rõ ràng xung quanh tầm nhìn của bạn là nền tảng của sự rõ ràng xung quanh việc thực thi, tuyển dụng, gây quỹ và mọi khía cạnh khác của công ty bạn.
Sứ mệnh của công ty là một trong những yếu tố dùng để xác định mục đích hoạt động của công ty, những lý do công ty được thành lập và căn cứ tồn tại, phát triển của công ty. Sứ mệnh của công ty cũng chính là tuyên ngôn của công ty đó đối với xã hội, điều đó chứng minh tính hữu ích và các ý nghĩa trong sự tồn tại và các hoạt động của công ty đối với xã hội.
Hiện nay các startup, doanh nghiệp phát triển lớn mạnh đều nhờ vào sản phẩm, dịch vụ và khoa học kỹ thuật của họ. Một sản phẩm, dịch vụ tuyệt vời là yếu tố cần thiết để giành lấy tâm trí khách hàng, chiếm lĩnh thị trường. Và để xây dựng được một sản phẩm, dịch vụ tuyệt vời các nhà startup cần phải có kỹ thuật tiên tiến và tập trung.
Khả năng sáng tạo không giới hạn
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường làm giàu của mình đó là bản thân người startup phải có một sự sáng tạo không giới hạn. Bởi vì chỉ có sự sáng tạo không giới hạn mới có thể làm nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ, tìm ra bước tiến mới cho thị trường, những tiềm năng mà chưa ai khai phá.
Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho bạn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới – mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.
Kỹ năng lập kế hoạch và xây dựng chiến lược
Lập kế hoạch và xây dựng chiến lược là một hoạt động rất quan trọng trong kinh doanh. Nó là quá trình xác định chiến lược công ty của bạn hay phương hướng và quyết định việc phân bổ nguồn vốn cũng như nhân sự. Bí quyết ở đây là việc biết làm thế nào để dự kiến được khả năng hoạt động của doanh nghiệp của bạn trong tương lai từ 3 đến 5 năm tới với kế hoạch kinh doanh chi tiết.
Kiên trì – kiên trì và kiên trì
Sở dĩ đức tính kiên trì là một yếu tố quan trọng bởi vì trong quá trình startup vì startup nguy cơ nhiều là sẽ gặp thất bại. Theo thống kê thì 50% tất cả các doanh nghiệp mới thất bại trong vòng 5 năm. Duy trì được nhiệt huyết, đam mê từ thuở đầu rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh rằng những doanh nhân khởi nghiệp thành công là nhờ có tinh thần quyết tâm cao hơn những người bình thường để vượt qua những trở ngại, có sự đam mê và kiên trì vượt trội để có thể đứng lên từ những thất bại trong thời gian ngắn.
Có nền tảng kiến thức chuyên môn
Hiện nay muốn làm bất cứ một việc gì trong bất cứ một ngành nghề nào bạn cũng cần phải có kiến thức về ngành nghề đó, vì thế nếu muốn khởi nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó bạn cũng nên tìm hiểu kĩ các kiến thức xung quanh lĩnh vực đó.
Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là một bước đệm quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lý do ngoài ý muốn.
Chúng ta đã lý tưởng hóa vai trò của việc bỏ học đại học bằng cách lấy ra những doanh nhân thành công như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Oprah.
Nhưng những con số thống kê lại đưa ra kết luận khác. Số liệu về startup cho thấy 95% các doanh nhân ít nhất một bằng cử nhân. Mặc dù không chắc chắn giúp bạn thành công nhưng việc học đại học giúp bạn không chỉ phát triển kiến thức, kỷ luật mà còn là những kết nối giúp bạn về sau này.
Kỹ năng tìm hiểu và nghiên cứu thị trường
Một trong những yếu tố quan trọng của các nhà startup là có kỹ năng tìm hiểu và nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường tiềm năng sẽ cung cấp cho nhà startup có những thông tin quan trọng về lĩnh vực thị trường mà mình hoạt động. Hơn nữa việc này giúp khởi nghiệp kinh doanh và phát triển kế hoạch kinh doanh; thích ứng với thị trường trong tương lai. Những yếu tố cần được ưu tiên khi nghiên cứu thị trường là:
- Xu hướng phát triển thị trường, mức độ hấp dẫn, cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng, xu hướng bán hàng.
- Phân tích đối thủ cạnh tranh và đối chiếu với doanh nghiệp mình.
- Phân tích nhân khẩu học của khách hàng, vị trí địa lý, khách hàng điển hình, khách hàng tiềm năng.
Kỹ năng quản lý tài chính
Quá trình startup sẽ cần một lượng tiền nhất định để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực trong khi chưa thể hoạt động để có doanh thu ngay được. Do đó khi bắt đầu khởi nghiệp, cần có kế hoạch chi tiêu làm sao vừa phải tiết kiệm và vừa cần hợp lý ngay từ giai đoạn đầu cũng như trong suốt quá trình phát triển sau này của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Số liệu về startup cũng cho thấy rằng tăng quy mô quá nhanh, quá sớm là một trong những lý do hầu hết công ty mới thất bại. Vì vậy quản lý tài chính quan trọng để startup phát triển. Nếu có sai sót sẽ dẫn đến thất bại.
Kỹ năng ủy quyền, giao quyền
Ủy quyền là kỹ năng phân bổ trách nhiệm cho mọi người để hoành thành công việc. Khi làm việc tập thể, bạn cần tin tưởng vào khả năng của các thành viên và trao cho họ những quyền làm việc.
Ủy thác một cách hiệu quả sẽ giúp đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả quản lý và hiệu quả hoàn thành công việc của mọi người. Nhân tố chìa khóa là biết cách làm sao để doanh nghiệp của bạn làm việc cho mình, chứ không phải là bạn tất bật chạy theo quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình.
Nguồn vốn khởi nghiệp là yếu tố không thể thiếu
Nếu bạn đã xem Shark Tank thì cũng lý giải được tại sao nguồn vốn với startup lại quan trọng đến thế. Nguồn vốn là yếu tố gần như quyết định startup có phát triển vượt bậc và mang lại doanh thu hay không. Vì startup cũng cần đi một đoạn đường khá dài nên có được vốn đầu tư thì sẽ ổn định hơn, có nhiều ý tưởng để phát triển hơn. Đây là nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là một đòn bẩy cho sự thành công của startup.
Cơ hội và thách thức của Startup trong thời đại 4.0
Chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ 4.0, nền tảng thương mại điện tử, kỹ thuật số, công nghệ tự động, Blockchain phát triển mạnh mẽ.
Thời đại 4.0 sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và đời sống của con người Việt Nam hiện nay.
Vài năm trước, nếu bạn muốn gọi một chiếc taxi, bạn chỉ có thể gọi điện đến hotline của Công ty taxi để đặt xe hay bắt được một chiếc xe chạy dọc đường thì nay bạn có thể làm việc đó bằng một ngón tay chỉ với một chiếc Smartphone và có thể biết trước phí xe. Hay giờ đây chỉ chần ngồi ở nhà đặt hàng, thanh toán online nhanh chóng….
Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau:
“Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức vì nền kinh tế Việt Nam cũng giống một số nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nền sản xuất còn cho năng suất thấp, áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế … Vậy nên Việt Nam không còn cách nào khác là nỗ lực tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này nhằm thay đổi đất nước.
Có thể thấy 4.0 đang chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Nếu nắm bắt được thời cơ, đây có thể là cơ hội để các Startup phát triển mạnh mẽ.
Như vậy qua bài viết này các bạn đã hiểu thêm được những định nghĩa về Startup là gì? Startup thật sự cần mạnh mẽ, quyết đoán và sáng tạo. Hành trình những bước đi ban đầu còn gian nan, nhưng bạn đừng từ bỏ, đừng “ngại” đứng lên. Sẽ luôn có người sát cánh bên bạn trong hành trình này.