VGA là gì? VGA – Video Graphics Adaptor có vai trò như thế nào đối với lĩnh vực thiết kế, thiết kế đồ họa? Những điều bạn nên biết về VGA. Và nên chọn loại VGA nào cho PC, cho máy tính của bạn? Câu trả lời ở ngay dưới đây.
VGA là gì?
VGA – Video Graphics Adaptor được gọi là card màn hình hoặc card đồ họa. VGA có nhiệm vụ xử lý những hình ảnh trong máy tính như màu sắc, độ phân giải, độ tương phản, chất lượng hình ảnh hiển thị… thông qua kết nối với màn hình để hiển thị hình ảnh giúp cho người dùng có thể thao tác, giao tiếp trên PC, máy tính để bàn, máy tính cá nhân.
Tất cả các loại máy tính nào cũng đều phải có card màn hình VGA để xử lý hình ảnh, độ phân giải. Bộ não của VGA là GPU – Graphic Processing Unit, nó sẽ đảm nhận nhiệm vụ tăng tốc độ xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến hình ảnh. VGA là một trong những bộ phận phần cứng đặc biệt quan trọng vì nó quyết định đến sức mạnh xử lý đồ họa và hiển thị của tất cả loại máy tính.
- GPU – Graphics Processing Unit là bộ xử lý những tác vụ liên quan đến đồ hoạ cho vi xử lý trung tâm CPU. Rất nhiều tính năng trên GPU vượt xa so với trình điều khiển đồ họa cơ bản như GPU của Intel. GPU được dùng trong các hệ thống nhúng, máy tính cá nhân, máy trạm workstation, máy tính chơi game…GPU dễ nhận biết nhất là trong máy tính cá nhân. Một GPU có thể xuất hiện ở card đồ họa hoặc có thể được gắn trên mainboard.
Tùy thuộc vào nhu cầu công việc, sử dụng máy tính mà mỗi người lựa chọn VGA mạnh hay yếu, đắt tiền hay rẻ tiền.
Ví dụ trong công việc thiết kế đồ họa 3D thi cần máy có VGA khủng để dựng hình, nhưng có những máy chỉ chuyên render nên chỉ cần VGA vừa phải đủ để mở file.
Phân Loại VGA
VGA được chia thành 2 loại đó là Card Onboard và Card rời. Cụ thể thông tin chi tiết về 2 loại VGA này là gì? Và tiêu chí phân biệt của chúng ra sao? Tiếp tục theo dõi nội dung dưới đây.
Card onboard
Card onboard là loại VGA luôn được tích hợp sẵn trên bo mạch chủ (mainboard) của máy tính. Card onboard được nhà sản xuất tích hợp sẵn vào bộ xử lý trung tâm của máy tính (hay chúng ta thường gọi là CPU). Ví dụ: Intel HD Graphics 3000, 4000, 5000… tích hợp với Chip tùy vào từng thế hệ Core i sẽ đi kèm với từng loại card onboard khác nhau.
Để card onboard có thể hoạt động, thì phải dựa vào sức mạnh của CPU và RAM. Nhờ được tích hợp sẵn trên máy tính chính vì thế chi phí cho card onboard sẽ thấp hơn, điều này đồng nghĩa với tốc độ màn hình máy tính sẽ chậm, vậy nên chúng không phù hợp dùng để xử lý những phần mềm nặng, nó chỉ phù hợp cho nhu cầu sử dụng máy nhẹ như làm việc văn phòng thông thường, lướt web.
Ngày nay, các card onboard đã được nhà sản xuất nâng cấp lên rất nhiều so với trước, những Card onboard hiện nay đã có thể chơi game và xử lý hình ảnh, thế nhưng sẽ không mạnh mẽ như những dòng card màn hình rời.
Card VGA rời
Về cơ bản, Card VGA rời có tính năng tương tự với Card onboard. Tuy Card VGA rời lại được thiết kế riêng và hoạt động hoàn toàn độc lập. Card VGA rời chuyên về xử lý hình ảnh và đồ họa.
Nổi bật nhất ở Card VGA rời là chúng được trang bị cả một bộ tản nhiệt riêng và một GPU xử lý riêng, không liên quan đến CPU và RAM, chính vì thế mà chúng giúp cho máy tính hay laptop, PC hoạt động mạnh mẽ hơn trong việc xử lý đồ họa.
Card VGA rời hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều so với card onboard, vậy nên giá thành của nó cũng cao hơn rất nhiều. Khi mà khả năng xử lý tốt và được tích hợp nhiều bộ phận hơn nên những chiếc card VGA rời có giá thành cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Nếu là một tín đồ chơi game thì bạn nên chọn những chiếc laptop có card rời để trải nghiệm được chất lượng hình ảnh, đồ họa tốt nhất.
Các thông số chính trên VGA
Trên một Card VGA rời có những thông số sau:
GPU | NVIDIA® GeForce® GTX 1060 |
Core speed/clock | 1506 MHz |
Boost speed | 1708 MHz |
CUDA Cores | 1280 |
Video Memory | 6GB |
Memory Type | GDDR5 |
Memory Speed | 8Gbps |
Memory Bus Width | 192-bit |
Memory Bandwidth | 192GB/s |
GPU-Đơn vị xử lí đồ hoạ. Là con chip cốt lõi được sử dụng trong card màn hình. Là thành phần quan trọng nhất trong một chiếc card.
Core Speed. Còn gọi là xung nhịp, là tốc độ xử lý lệnh của GPU được tính bằng MHz. Nhưng không phải lúc nào 2 con GPU có cùng Core Speed cũng sẽ cho ra tốc độ như nhau tại cùng thời điểm. Vẫn có nhiều thứ khác quyết định hiệu năng của một chiếc card như số lượng cores, dung lượng/loại bộ nhớ, kiến trúc,… cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Boost Speed. Còn được gọi là Xung boost. Hiểu một cách đơn giản, Xung boost giúp card chạy ở mức xung nhịp cao hơn mức xung cơ bản, tất nhiên là điện năng tiêu thụ sẽ tăng theo. Tuy nhiên sẽ không lúc nào nó cũng chạy ở mức xung cao nhất được vì có một sự giới hạn về điện năng và ngưỡng nhiệt độ an toàn. Đây là thông số xuất hiện ở rất nhiều ở các VGA đời mới và nó khá giống với công nghệ Turbo Boost của Intel.
CUDA Core-Kiến trúc thiết bị tính toán hợp nhất: Là một kiến trúc tính toán song song do NVIDIA phát triển, giống như lõi kép, lõi tứ ở CPU. GPU của NVIDIA có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn CUDA Core. Những CUDA Core này sẽ chịu trách nhiệm xử lí tất cả dữ liệu đi vào và đi ra GPU.
Video Memory-Bộ nhớ đồ hoạ: Là dung lượng bộ nhớ tạm thời của VGA, khá giống với RAM trên PC. Bộ nhớ càng nhiều thì sẽ càng tốt vì các phần mềm và game sẽ có thêm nhiều không gian để bung hiệu năng. Thông thường các nhà sản xuất card màn hình sẽ sử dụng bộ nhớ RAM vừa thích hợp với sức mạnh của card, nhưng đôi khi sẽ có nhiều phiên bản trên cùng một đời VGA (Ví dụ như GTX 960 2G/960 4G, 1060 3G/1060 6G). Lưu ý rằng nếu sử dụng đa màn hình hoặc các chương trình đồ họa chuyên nghiệp thì Video Memory cao sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Memory Type-Loại bộ nhớ. Đây là loại bộ nhớ được dùng trong card màn hình. Bộ nhớ thường được sử dụng trên VGA thường là GDDRx. Các thế hệ bộ nhớ về sau sẽ tốt hơn trước với tốc độ và băng thông được cải thiện. Lưu ý thông số này không liên quan đến bộ nhớ DDR của RAM.
Memory Speed-Tốc độ bộ nhớ. Là tốc độ bộ nhớ RAM của card được tính bằng MHz, hiểu đơn giản là tốc độ mà card có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên RAM.
Memory Bus Width-Bus bộ nhớ. Bus bộ nhớ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu năng của VGA. Tốc độ của bộ nhớ nhanh thì rất quan trọng, nhưng ngoài ra card đồ hoạ còn phải đáp ứng đủ “tải trọng” để đưa đủ thông tin. Về mặt kỹ thuật, Bus bộ nhớ càng cao thì lượng dữ liệu được card đồ họa truyền tải trong một chu kỳ sẽ càng lớn. Ví dụ, 1 card sử dụng bus 128 bits có thể truyền tải nhiều dữ liệu gấp đôi so với 1 card màn hình chỉ có 64 bits.
Memory Bandwidth – Băng thông bộ nhớ: Là khả năng truyền tải dữ liệu của bộ nhớ. Chỉ số này càng cao thì hiệu năng của card sẽ được nâng cao hơn.
SLI (NVIDIA)/Crossfire (AMD). Là khả năng ghép 2 hoặc nhiều card màn hình cùng loại chạy song song, nhờ đó hiệu năng sẽ nâng cao đáng kể.
VR (Virtual Reality) Ready-Thực tế ảo. Công nghệ này giúp người dùng nhập vai hoàn toàn bằng các giác quan vào thế giới ảo. Hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới
Cổng kết nối. Là loại khe cắm mà các nhà sản xuất đã thiết kế để cắm vào. Đa số các loại card hiện nay đã sử dụng cổng PCI Express 3.0 x16 hoặc PCI Express 2.0 x16.
So sánh Card Onboard và Card VGA rời
Nhìn chung 2 loại VGA này chỉ khác nhau về tốc độ xử lý, một bên mạnh, một bên yếu. Như vậy có thể lựa chọn 2 phân khúc khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng và chi phí.
Card Onboard | Card VGA rời |
Đã được tích hợp sẵn trên bo mạch chủ (mainboard) của máy tính. | Tương tự |
Khả năng xử lý đồ họa, hình ảnh Thấp | Khả năng xử lý đồ họa, hình ảnh Cao |
Ưu và nhược điểm của Card Onboard và Card VGA rời
Chúng ta cùng điểm qua về ưu điểm và nhược điểm của từng loại VGA để lựa chọn được loại nào nên dùng với nhu cầu của mình.
Ưu điểm
Card Onboard.
- Hạn chế lỗi trong quá trình sử dụng bởi nó được thiết kế tối ưu cho Mainboard dựa vào Chipset.
- Ít bị xung đột về phần cứng.
Card VGA rời.
- Sử dụng riêng một khe cắm và độc lập với máy chủ.
- Card rời này còn sử dụng GPU cùng bộ nhớ riêng mà không cần dùng đến RAM trên máy tính nên nó không hề làm ảnh hưởng đến hệ thống chung của máy tính.
- Hoàn toàn hỗ trợ để xử lý các ứng dụng hoặc phần mềm nặng, game yêu cầu xử lý đồ hoạ cao.
Nhược điểm
Card Onboard.
- Do sử dụng chung với RAM máy tính nên sẽ tiêu hao nhiều tài nguyên có sẵn trong máy. Vì lý do là RAM bị nóng do hoạt động quá tải, liên tục khiến máy có thể bị đơ, bị treo.
- Card Onboard không thể chạy các phần mềm nặng, các phần mềm yêu cầu xử lý đồ họa cao…
Card VGA rời.
- Chi phí đắt hơn so với từng loại.
- VGA rời sử dụng hệ thống tản nhiệt không tốt cho máy tính của bạn nên có thể bị nóng hơn so với lúc trước.
Nên chọn loại VGA cho máy tính?
Như vậy, bạn đã thấy được ưu và nhược điểm của từng loại VGA. Nếu bạn sử dụng máy tính, PC, laptop để thiết kế đồ họa 3D… thì nhất thiết là nên sử dụng Card VGA rời bởi vì tốc độ xử lý hình ảnh, màu sắc của nó cao. Đáp ứng yêu cầu công việc của bạn.
Còn nếu bạn không cần đến một bộ xử lý quá mạnh, thao tác thiết kế đơn giản, chỉ render thì sử dụng Card VGA Onboard để đỡ tốn kém chi phí. Song tính toán với nhu cầu sử dụng trong tương lai và để thiết kế nhanh nhạy hơn thì Card VGA rời vẫn là lựa chọn tốt nhất. Nên đầu tư để trải nghiệm tuyệt vời hơn mà chi phí nhỉnh hơn không quá nhiều. Những ai dùng PC cũng nên chọn Card rời.
Tìm hiểu thêm cách khắc phục lỗi chip VGA hiệu quả
Máy tính bị lỗi chipset là một tình trạng khá phổ biến, sẽ gặp phải sau một thời gian dài sử dụng. Đặc biệt là đối với những chiếc Laptop VGA rời sau khoảng 2 đến 3 năm sử dụng cộng với việc phải chạy những tác vụ nặng như làm đồ họa, chơi game sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhiệt. Do đặc thù chuyên xử lý tác vụ nặng về đồ họa nên những dòng Laptop VGA rời khi hoạt động sẽ nóng hơn Laptop Card màn hình Onboard. Đây cũng là nguyên nhân làm chết chip VGA.
Khi máy tính bị lỗi chipset, hay cụ thể hơn là lỗi VGA rời, chúng ta sẽ bắt gặp những dấu hiệu hỏng chipset như sau:
- Máy chạy rất nóng. Thông thường lỗi chip máy tính sẽ khiến cho thiết bị của bạn tự động tắt sau khi được khoảng từ 2 đến 3 giờ hoạt động. Bạn càng bật máy lên để tiếp tục chạy, thời gian tự ngắt càng nhanh hơn. Với hiện tượng này, đến 99% là lỗi chipset.
- Máy tính xách tay đang chạy bình thường thì gặp lỗi Dump màn hình xanh, bật đi bật lại sẽ gặp thường xuyên hơn. Ở trường hợp này, khả năng 30% là có dấu hiệu hỏng chipset.
- Laptop vẫn chạy bình thường nhưng lại không có tín hiệu lên màn hình máy tính. Mọi tín hiệu đèn như đèn power, đèn charging, đèn HDD Led vẫn hiển thị. Khi bạn cắm màn hình LCD ngoài vào qua cổng kết nối VGA out port vẫn chạy bình thường. Trong trường hợp này, khả năng máy tính bị lỗi chip VGA là 60-70%.
- Với dòng MacBook Pro, MacBook Air thì hiện tượng lỗi chip máy tính dẫn đến tình trạng treo táo hoặc trắng màn hình.
- Khởi động Laptop lúc lên lúc không.
- Dòng Laptop Dell kêu 8 tiếng bíp liên tục. Trong khi dòng Laptop của HP sẽ báo đèn chớp 3 lần hoặc sáng đèn Caps Lock trên bàn phím.
- Màn hình Laptop bị sọc chỉ, màn hình bị chia thành nhiều ô hoặc có hiện tượng sáng trắng (có khi sáng mờ) và không thể nhìn thấy hình.
- Laptop chơi game bị giật, lag màn hình, có thể dẫn đến bị treo hay đứng hình. Xem phim với độ phân giải cao HD bị tắt hình.
- Cài driver VGA xong vào manager hiện dấu chấm hỏi màu vàng.
Để sửa chữa lỗi do chip VGA gây ra bạn tiến hành theo những bước sau:
- Đầu tiên bạn hãy dừng ngay mọi hoạt động trên máy tính lại. Chờ một thời gian cho máy nguội và tiến hành các thao tác vệ sinh cơ bản như làm sạch bụi bẩn trên hệ thống quạt, lau chùi keo tản nhiệt cũ đã bị khô và tra keo tản nhiệt mới. Sau đó hãy để laptop lên đến tản nhiệt và bật máy lên.
- Tuy nhiên không phải trường hợp nào phương pháp này cũng có thể phát huy tác dụng. Nếu như đã thực hiện theo hướng dẫn mà Laptop vẫn gặp sự cố như cũ, cách tốt nhất là bạn nên đem máy đến các cửa hàng hoặc hệ thống sửa chữa laptop uy tín để được các kỹ thuật viên kiểm tra và khắc phục kịp thời.
- Trường hợp Chip VGA bị hở chân chip, chúng ta sẽ tiến hành đóng chip VGA. Quá trình đóng chip VGA là một quá trình kỹ thuật. Trong đó, người kỹ thuật viên sẽ hàn các chân chip (bi chì) từ chip VGA với bo mạch (mainboard) lại với nhau.
- Trường hợp máy bị lỗi VGA nặng hơn nhưng vẫn chưa chết chip, chúng ta sẽ tiến hành bóc chip VGA ra và làm chân bi.
- Trường hợp đặc biệt đối với một số dòng máy tính xách tay có tỉ lệ sửa chữa lỗi chip VGA thành công là rất thấp, cách tốt nhất nên tiến hành thay mainboard laptop mới. Tuy chi phí sẽ tốn kém hơn so với giá sửa chữa nhưng đổi lại tính ổn định sẽ cao hơn rất nhiều.
Như vậy, qua bài viết này bạn đã biết được thêm VGA là gì? Những loại VGA và chọn lựa cho mình loại VGA phù hợp cho máy tính của bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến công nghệ trong những bài viết sau. Thân ái!