Khi ta điền thông tin cá nhân vào một số giấy tờ sẽ thường gặp cụm từ quê quán và nguyên quán. Dù đã làm việc rất nhiều năm nhưng lại ích người biết khi nào sử dụng quê quán, khi nào lại dùng nguyên quán. Đặc biệt nếu khi hỏi quê quán là gì hay nguyên quán là gì lại ít có người trả lời được chính xác. Bài viết sau đây sẽ giải đáp giúp bạn câu hỏi quê quán là gì và cách phân biệt quê quán và nguyên quán, các bạn cùng tham khảo nhé!
Quê quán là gì?
Quê quán là địa danh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào giải thích hoặc định nghĩa rõ ràng quê quan là gì.
Nguồn gốc của nguyên quán và quê quán
Bộ Công an sử dụng nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú như Sổ hộ khẩu, Bản khai nhân khẩu, Giấy chuyển hộ khẩu… và chứng minh nhân dân. Còn quê quán được Bộ Tư pháp dùng trong Giấy khai sinh.
Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công an cũng không có sự đồng nhất trong việc dùng 2 thuật ngữ này. Cụ thể,
Đối với sổ hộ khẩu:
– Từ ngày 20/01/2011, Thông tư 52/2010/TT-BCA có hiệu lực, trên sổ hộ khẩu mục nguyên quán được thay bằng quê quán;
– Từ ngày 28/10/2014, mục quê quán được đổi lại là nguyên quán theo Thông tư 36/2014/TT-BCA.
Đối với chứng minh nhân dân:
– Từ ngày 11/12/2007, Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/1999/NĐ-CP, trên mẫu chứng minh nhân dân (9 số) mới không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán.
– Sau đó, chứng minh nhân dân 12 số (từ ngày 01/7/2012) và thẻ Căn cước công dân (từ ngày 01/01/2016) đều dùng là quê quán.
Cho tới nay nguyên quán và quê quán được dùng song song. Các loại biểu mẫu về cư trú vẫn sử dụng mục nguyên quán còn thẻ Căn cước công dân và giấy khai sinh thì dùng quê quán.
Phân biệt nguyên quán và quê quán
Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh.
Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.
Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Được căn cứ vào điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA.
Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Căn cứ theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.
Theo đó, quê quán và nguyên quán đều được hiểu là “quê”, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Tuy nhiên, nguyên quán và quê quán không giống nhau hoàn toàn.
Hiểu một cách đơn giản nhất, nguyên quán của một người được xác định căn cứ theo nguồn gốc, xuất xứ (nơi sinh) của ông bà nội hoặc ông bà ngoại.
Còn quê quán của một người thì xác định theo nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ.
Như vậy, nguyên quán được xác định sâu và xa hơn so với quê quán.
Quê quán trong mọi giấy tờ phải giống với giấy khai sinh
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Căn cứ: Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP
Theo đó, quê quán trong mọi giấy tờ, hồ sơ cá nhân khác đều phải phù hợp với Giấy khai sinh.
Ví dụ như, quê quán trong lý lịch Đảng viên cũng phải giống với trong giấy khai sinh:
Quê quán: “Ghi theo quê quán trong giấy khai sinh (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ)…” (Hướng dẫn 09-HD/BTCTW).
Cách ghi quê quán trong giấy khai sinh 2019
Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch. Do đó, quê quán của người được khai sinh sẽ xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Quê quán ghi trong giấy khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập quán.
Khi ghi quê quán trong Tờ khai đăng ký khai sinh của con, cha hoặc mẹ căn cứ vào các giấy tờ hộ tịch có ghi quê quán của mình để xác định quê quán của con.
Trường hợp đứa trẻ được sinh ra mà không xác định được cha hoặc mẹ, quê quán của đứa bé sẽ được xác định theo nơi sinh và được ghi nhận trong giấy khai sinh.
Lưu ý: Trường hợp đăng ký lại khai sinh, nếu địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì xác định và ghi theo địa danh hành chính hiện tại (khoản 2 Điều 10 Thông tư 15/2015/TT-BTP).
Cơ sở pháp lý
Luật Hộ tịch năm 2014
Thông tư 36/2014/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký quản lý cư trú
Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân.
Nguyên quán là gì?
Nguyên quán là thuật ngữ chỉ nguồn gốc của cá nhân, được xác định bằng các căn cứ nhất định. Trên thực tế, có nhiều cách hiểu khác nhau về nguyên quán. Vậy nguyên quán là gì? Căn cứ xác định nguyên quán như thế nào? Cách hiểu về nguyên quán như thế nào là chính xác?
Thông thường, đa số quan điểm cho rằng, nguyên quán là nơi ông/bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha), là nơi ông/bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).
Dưới góc độ pháp lý, điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA hướng dẫn cách ghi nguyên quán trong các giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cá nhân quy định như sau:
Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Như vậy, quy định về cách ghi mục nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú cũng xác định nguyên quán theo Giấy khai sinh hoặc theo nguồn gốc của ông/bà nội hoặc ông/bà ngoại, hoặc theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ.
Quê quán và nơi sinh có giống nhau không?
Hiện nay, không có văn bản nào định nghĩa về quê quán và nơi sinh, nên bạn có thể hiểu ngắn gọn như sau:
– Quê quán là nơi sinh trưởng của người cha hoặc mẹ.
– Nơi sinh là địa điểm, địa danh hành chính mà bạn được sinh ra.
Vậy, quê quán và nơi sinh là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt nhau. Quê quán và nơi sinh có thể cùng một nơi nhưng cũng có khi quê quán và nơi sinh lại là hai địa điểm khác nhau. Bạn cần lưu ý vấn đề này để ghi cho chính xác.
Quê quán và Nơi sinh viết theo hồ sơ nào?
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì:
“ Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Theo phụ lục hướng dẫn khai Tờ khai đăng ký khai sinh tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 của bộ Tư pháp hướng dẫn ghi phần nơi sinh như sau:
” Trường hợp sinh tại cơ sở y tế thì ghi rõ tên cơ sở y tế và địa danh hành chính
Ví dụ: – Bệnh viện Phụ sản, Hà Nội
– Trạm y tế xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Trường hợp sinh ra ngoài cơ sở y tế thì ghi địa danh của 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh), nơi sinh ra.
Ví dụ: xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.“
Giấy khai sinh là giấy tờ gốc ghi nhận thông tin về nhân thân của một cá nhân, các giấy tờ sau nó cần điều chỉnh đều căn cứ vào giấy khai sinh được cấp đúng thẩm quyền. Như vậy, bạn nên ghi quê quán và nơi sinh theo giấy khai sinh là chuẩn nhất.
Thứ ba: Về cách ghi địa danh khi có sự thay đổi.
Theo khoản 2 điều 10 thông tư số 15/1015/TT – BTP của Bộ Tư pháp:
“2. Tại thời điểm đăng ký lại khai sinh, nếu địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì xác định và ghi theo địa danh hành chính hiện tại; việc thay đổi địa danh hành chính được ghi vào “Phần ghi chú những thay đổi sau này” tại mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh”.
Có thể đăng ký thay đổi quê quán được không?
Quê quán được hiểu là nơi cha hoặc mẹ bạn được sinh ra và lớn lên, đây là nơi mỗi con người có sự gắn bó mật thiết về mặt tình cảm, có ông bà, cha mẹ, người thân họ hàng cùng sinh sống. Việc bắt buộc phải ghi rõ quê quán trong các giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân,… là một cách nhằm nhắc nhở mỗi con người dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn luôn nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc của mình.
Đối với vấn đề thay đổi quê quán, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nào.
Theo như khoản 8 điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch như sau:
“Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
- Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
- a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
- b) Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
- c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;
- d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
đ) Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch“.
Như vậy, ngay từ khi mới sinh ra thì quê quán của trẻ em đã được xác định cụ thể là theo quê quán của người cha hoặc theo quê quán của người mẹ theo tập quán tại nơi sinh sống hoặc theo thỏa thuận giữa cha hoặc mẹ. Chỉ trừ trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì quê quán của người con sẽ được xác định theo quê quán của người mẹ.
Đồng thời tại Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 quy định về Phạm vi thay đổi hộ tịch như sau:
“Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch
- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
- Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.”
Theo quy định trên thì pháp luật chỉ cho phép thay đổi hộ tịch trong phạm vi liên quan đến họ, chữ đệm, tên của cá nhân trong giấy khai sinh đã đăng ký trong trường hợp người đi khai sinh có sự nhầm lẫn, sai sót trong việc cung cấp các thông tin này hoặc rơi vào các trường hợp đặc biệt mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, cho phép thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thay đổi quê quán trong giấy khai sinh. Do vậy, quê quán của công dân sẽ được xác định theo quê quán đã khai báo khi đăng ký khai sinh từ thời điểm ban đầu.
Cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh
Trường hợp khai sinh thông thường
Cũng giống như “nguyên quán”, khái niệm “quê quán” mặc dù được đề cập đến nhiều trong các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu… nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định nào định nghĩa cụ thể về khái niệm này. Đồng thời, hiện nay, để đảm bảo tính thống nhất trong các loại giấy tờ thì hiện nay, trong các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh,… đều không dùng từ “nguyên quán” nữa, mà thống nhất dùng khái niệm “quê quán”.
Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm trong Đại từ điển Tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ về Văn hóa Việt Nam (Bộ giáo dục và đào tạo) xuất bản năm 1999 có thể hiểu, khái niệm “quê quán” là quê hương, nơi sinh trưởng của người này, nơi có anh em họ hàng gia đình của người này sinh sống lâu đời. Mà thực tiễn cho thấy, quê quán của một người thường được hiểu là quê hương, nơi mà cha của người đó sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, đây chỉ là khái niệm mang tính chất tham khảo.
Mặc dù chưa có cách định nghĩa cụ thể về khái niệm “quê quán”, cũng chưa có nội dung nào quy định “nguyên quán” và “quê quán” khác nhau như thế nào, nhưng hiện nay, tất cả mọi loại giấy tờ liên quan đến nhân thân của một cá nhân, dù là sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Sổ bảo hiểm xã hội…. đều phải thống nhất với nội dung trên Giấy khai sinh của người đó, bao gồm cả thông tin về quê quán/nguyên quán.
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi họ được đăng ký khai sinh, trong đó thể hiện những thông tin cơ bản về cá nhân gồm họ, tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, số định danh cá nhân, thông tin của cha/mẹ người được đăng ký khai sinh… (theo khoản 6 Điều 4, Điều 14 Luật hộ tịch năm 2014, Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Do vậy, khi một trong những loại giấy tờ liên quan đến nhân thân của một người mà thể hiện không đúng, thể hiện khác so với Giấy khai sinh của người đó thì đều cần phải làm thủ tục điều chỉnh, để thống nhất với Giấy khai sinh. Do vậy, thông tin về mục “quê quán” trong các loại giấy tờ sẽ được xác định theo Giấy khai sinh.
Về cách ghi “quê quán” trong Giấy khai sinh, căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014, điểm đ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:
Quê quán của một người khi được đăng ký khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của người cha hoặc người mẹ đẻ của họ theo nội dung thỏa thuận của cha, mẹ của người này; hoặc được xác định theo thông lệ, tập quán của địa phương được ghi trong nội dung tờ khai đăng ký khai sinh khi đi đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền.
Do vậy, khi đi đăng ký khai sinh, thì việc ghi mục quê quán của người được đăng ký khai sinh sẽ do người đi làm thủ tục tự kê khai trong tờ khai đăng ký khai sinh dựa trên nội dung thông tin về quê quán của người cha, người mẹ và sự thỏa thuận của họ hoặc theo tập quán của từng địa phương.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi
Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định (như lập biên bản sự việc – niêm yết công khai thông tin về việc trẻ bị bỏ rơi) mà vẫn không thể xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ thì trường hợp này,căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký khai sinh cho trẻ, quốc tịch của trẻ sẽ được xác định là quốc tịch Việt Nam, nơi sinh được xác định là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi và mục quê quán sẽ được xác định theo nơi sinh của trẻ – tức nơi phát hiện ra trẻ.
Do vậy, trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi thì quê quán của trẻ khi đăng ký khai sinh được xác định theo nơi sinh – nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi.
Trường hợp trẻ em không xác định được cha mẹ
Đối với trường hợp trẻ em không phải bị bỏ rơi, nhưng không xác định được người cha hoặc người mẹ đẻ thì khi đăng ký khai sinh, phần ghi nguyên quán trong Giấy khai sinh được thực hiện như sau:
– Trường hợp không xác định được cha đẻ của đứa trẻ được đăng ký khai sinh thì mục quê quán của trẻ trên Giấy khai sinh được xác định theo quê quán của người mẹ.
– Trường hợp không xác định được người mẹ đẻ của đứa trẻ được đăng ký khai sinh mà người cha đẻ của bé làm thủ tục nhận con thì trường hợp này, mục quê quán của trẻ trên Giấy khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của cha sau khi đã thực hiện xong thủ tục nhận cha cho con và tiến hành bổ sung thông tin hộ tịch.
Có thể thấy, việc ghi thông tin quê quán trên Giấy khai sinh mặc dù sẽ khác nhau trong một số trường hợp nhưng đều dựa trên nguyên tắc cơ bản khi xác định quê quán là quê quán của người được đăng ký khai sinh xác định theo quê quá của cha hoặc mẹ của họ hoặc theo tập quán của địa phương.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn kiến thức quê quán là gì và những điều lưu ý khác liên quan đến quê quán. Quê quán vô cùng quan trọng trong giấy tờ của bạn vì vậy hãy xác định thật kỹ và điền vào mục này cẩn thận nhé! Hy vọng bài viết trên có thể giúp ích được cho bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống.