Những ai hoạt động trong doanh nghiệp chắc hẳn đã từng nghe đến cái tên VCCI. VCCI là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận và là cầu nối cho các doanh nghiệp trẻ phát triển. Và VCCI có phải chỉ có một khái niệm duy nhất. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin VCCI là gì, mời quý độc giả cùng theo dõi những nội dung dưới đây.
VCCI là gì?
VCCI là viết tắt của cụm từ Vietnam Chamber of Commerce and Industry, có nghĩa là Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI hoạt động với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, độc lập, phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ tài chính.
Mục đích chính khi thành lập VCCI đó là thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh và thương mại với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
VCCI còn là viết tắt của Hội đồng kiểm soát tự nguyện – the Voluntary Control Council for Interference (VCCI) của Nhật Bản. Hội đồng kiểm soát tự nguyện là một tổ chức thành viên với mục đích ngăn chặn nhiễu điện từ do Thiết bị Công nghệ Thông tin (ITE) tại Nhật Bản sản xuất.
Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về khái niệm VCCI là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Chức năng và nhiệm vụ của VCCI
Chức năng
Chức năng chính của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI là đại diện thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp , chính đáng của cộng đồng các doanh nghiệp và sử dụng lao động ở Việt Nam, trong mối quan hệ trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài; xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp.
Nhiệm vụ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI có 18 nhiệm vụ được liệt kê như sau:
- Tập hợp, nghiên cứu thực trạng và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc, làm đầu mối liên kết các doanh nghiệp, làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Đảng, Nhà nước và với các tổ chức hữu quan khác ở trong và ngoài nước để trao đổi thông tin, ý kiến và đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và quan hệ lao động.
- Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và quan hệ lao động dưới các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành.
- Là đầu mối tập hợp thông tin, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và tham gia quá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, thương mại; tham gia với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn, thực thi các điều ước quốc tế có liên quan tới kinh tế, thương mại; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thực thi các điều ước quốc tế về kinh tế, thương mại mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tham gia tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước và các hoạt động xúc tiến khác nhằm mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế.
- Thực hiện vai trò của tổ chức đại diện ở Trung ương của người sử dụng lao động Việt Nam tham gia vào các thiết chế ba bên về quan hệ lao động, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và liên kết tổ chức của người sử dụng lao động ở cấp ngành và địa phương; phối hợp với tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, giới sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo quy định hiện hành.
- Tiến hành những hoạt động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế; tư vấn và tham gia hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong quá trình kinh doanh và thực thi pháp luật.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thực thi chính sách, pháp luật; phổ biến, cung cấp, hỗ trợ thông tin kinh doanh, khoa học kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp.
- Tổ chức vận động cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác liên quan tới hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ việc thành lập, phối hợp nâng cao năng lực hoạt động và liên kết hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước.
- Hợp tác với các tổ chức, đơn vị hữu quan trong nước; hợp tác với các tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp ở nước ngoài; ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.
- Tổ chức đào tạo để phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho các doanh nhân, xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, hiệu quả.
- Tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu và nâng cao uy tín hàng hóa, dịch vụ, cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước thông qua các biện pháp như: Kết nối và giới thiệu bạn hàng, cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư khác ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai, chuyển giao các mô hình kinh doanh mới hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; thực hiện các đề tài, nghiên cứu, điều tra… về năng lực cạnh tranh, lao động và các nội dung khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
- Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân, các đơn vị, cá nhân có đóng góp lớn vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài theo quy định.
- Cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo ủy quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xác nhận các trường hợp bất khả kháng và chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết khác trong hoạt động thương mại theo yêu cầu tự nguyện của các bên trong giao dịch hoặc theo yêu cầu, ủy quyền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài phù hợp với quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác mà cơ quan Nhà nước giao hoặc ủy quyền.
Quy định về VCCI
Cơ cấu tổ chức
VCCI bao gồm các cơ quan sau:
– Đại hội Đại biểu toàn quốc.
– Ban Chấp hành.
– Ban Thường trực.
– Ban Kiểm tra.
– Các đơn vị chuyên trách; các chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước; các tổ chức trực thuộc; các tổ chức khác do VCCI thành lập theo quy định của pháp luật.
Phạm vi và nguyên tắc hoạt động
Phòng thương mại và công nghiệp VCCI hoạt động trên phạm vi toàn quốc, theo pháp luật Việt Nam. VCCI chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. VCCI được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc:
- Tự nguyện, tự quản;
- Hiệp thương dân chủ;
- Bình đẳng, công khai, minh bạch;
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.
Địa vị pháp lý, trụ sở
VCCI là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, có con dấu, tài khoản riêng.
VCCI đặt trụ sở chính tại Hà Nội, địa chỉ: Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Chi nhánh VCCI ở Hồ Chí Minh tại địa chỉ: P. 307, Lầu 3, Tòa nhà VCCI, 171 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Cơ chế tài chính, tài sản
VCCI có tài sản và tài chính độc lập và hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật. Tài sản của VCCI bao gồm trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tài sản được hình thành hợp pháp khác.
Nguồn thu
VCCI là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, nguồn thu của VCCI hình thành từ các nguồn sau:
– Phí gia nhập và hội phí do hội viên đóng góp.
– Các khoản thu từ hoạt động của VCCI, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức khác của VCCI.
– Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật.
– Các hoạt động gây quỹ, tài trợ, đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
– Các khoản thu hợp pháp khác. (được trình bày theo Quyết định Số: 2177/QĐ-TTg).
Làm sao để trở thành hội viên của VCCI?
Để trở thành hội viên chính thức, tổ chức quan tâm cần gửi những thông tin sau đến đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội hoặc các Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Phòng. Hồ sơn xin gia nhập thành viên VCCI gồm:
- Đơn xin gia nhập làm hội viên chính thức Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2 bản theo mẫu của Phòng)
- Giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc giấy phép thành lập hoặc quyết định thành lập (2 bản sao có công chứng)
Khi nhận được đơn, Ban Thường trực sẽ xét và thông báo cho tổ chức liên quan về quyết định chấp nhận. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhận thông báo, tổ chức phải thực hiện đóng lệ phí gia nhập. Chỉ khi nào tổ chức đóng lệ phí gia nhập mới được coi là hội viên chính thức. Theo quyết định của Hội đồng Quản trị, lệ phí hiện hành được tính như sau:
Mức lệ phí gia nhập bằng mức hội phí hàng năm, được tính căn cứ vào doanh số của tổ chức trong năm trước theo các mức:
- Doanh số dưới 10 tỷ đồng, mức đóng 3 triệu đồng/năm.
- Doanh số từ 10 – 50 tỷ đồng, mức đóng 7 triệu đồng/năm.
- Doanh số trên 50 tỷ đồng đóng, mức 15 triệu đồng/năm,
Mức lệ phí gia nhập và hội phí trên có thể được điều chỉnh bởi quyết định của Hội đồng Quản trị trong từng thời gian cụ thể.
Bài học kinh nghiệm rút ra với VCCI?
VCCI hoạt động như ngày hôm nay là nhờ có sự đoàn kết, hỗ trợ của Đảng ủy, ban thường trực và các doanh nghiệp, các hội viên. Phương châm hoạt động của VCCI đó là mở rộng, thảo luận rộng rãi với tất cả các tổ chức và cơ quan trong các vấn đề liên quan đến phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Từ đó tạo cơ sở để làm nên sức mạnh gắn bó và liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội khác với tập thể VCCI.
Trong quá trình phát triển VCCI đã luôn linh hoạt theo dõi sát diễn biến thực tế, có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để tìm ra hướng đi đúng đắn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh sáng tạo, trí tuệ của tổ chức này.
Là một tổ chức, VCCI đã và đang làm tốt vai trò, chức năng của mình. VCCI, một phần nào đó thể hiện được sức mạnh, sự liên kết cũng như hội tụ những doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế trên cả nước Việt Nam. Sức mạnh tập thể ấy sẽ giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển rực rỡ hơn nữa.
Với những thông tin về VCCI là gì, hy vọng đã giúp ích cho bạn. Hãy chờ đón những nội dung mới nhất tại La Factoria Web nhé.