Lúc học cấp 2 các bạn đã được học về khái niệm từ láy. Từ láy sử dụng trong văn thơ, giao tiếp nhiều vô kể, kể cả trong những bài viết bạn gặp ở đâu đó trên mạng. Từ láy làm cho dòng văn có nhịp hơn, có âm điệu hơn và cũng thả được cảm xúc trong đó nữa.
Vậy thì hôm nay mình sẽ có bài viết chuyên sâu về từ láy là gì, khái niệm từ láy là gì, phân loại từ láy và tất tần tật thông tin quan trọng về từ láy tiếng Việt.
Lý thuyết về từ và cấu tạo từ
Trong những tài liệu về ngôn ngữ học, đơn vị cơ sở để cấu tạo nên từ tiếng Việt là tiếng. Từ cơ sở của tiếng, phân loại thành nhiều đơn vị cấu tạo từ khác nhau.
– Từ đơn là những từ chỉ có một tiếng tạo thành, như: mẹ, cha, mèo, cây, hoa, mây, mưa… Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như từ mượn nước ngoài (ghi-đông, tivi, ra-đa…) được xếp vào từ đơn đa âm tiết.
– Từ phức là từ gồm ít nhất hai tiếng tạo thành, như: đất nước, chó mèo, cây cối, mưa gió, lạnh lẽo…
Trong từ phức bao gồm hai loại: Từ láy và từ ghép.
+ Từ ghép là những từ được cấu tạo bằng cách ghép những tiếng lại với nhau, các tiếng được ghép có quan hệ với nhau về nghĩa, như:
- Quần áo => quần, áo đều mang nghĩa về trang phục, ăn mặc.
- Cha mẹ => cha, mẹ đều mang nghĩa là người thân trong gia đình.
- Cây cỏ => cây, cỏ là những loài thực vật sống bằng dinh dưỡng từ đất, ánh sáng và không khí.
+ Từ láy là từ được cấu tạo bằng cách láy lại (điệp lại) một phần phụ âm hoặc nguyên âm, hay toàn bộ tiếng ban đầu.
- Long lanh => láy phụ âm đầu
- Lấm tấm => láy vần “ấm”
- Ầm ầm => láy toàn bộ.
Từ láy là gì?
Có thể nói từ láy là từ phức được tạo ra bằng phương thức láy âm có tác dụng tạo nghĩa.
Để tạo ra một ngôn ngữ có nhạc tính cho sự hòa phối âm thanh đối với một ngôn ngữ giàu tính nhạc như tiếng Việt, thì từ láy không chỉ là sự lặp lại âm thanh của một từ mà còn có sự biến đổi âm thanh nhất định để tạo ra một từ gồm 2 thành phần, vừa giống nhau vừa khác nhau. Như vậy mới có sự phân chia thành từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
Hiểu một cách đơn giản từ láy là từ sự lặp lại hoặc biến đổi âm thanh ở một phần nào đó trong từ.
Trong từ láy gồm 2 phần là:
+ Phần gốc: Phần làm cơ sở cho sự láy.
+ Phần láy: phần lặp lại phần gốc.
Đối với từ láy không nhất thiết phải mang nghĩa nhưng trong nhiều trường hợp thì phần gốc là một tiếng có rõ nghĩa và tiếng láy là tiếng mờ nghĩa hoặc không có nghĩa.
Đẹp đẽ => “Đẹp” có nghĩa, “đẽ” không có nghĩa.
đủng đỉnh => “đủng” mờ nghĩa, “đỉnh” có nghĩa…
Ví dụ từ láy
Lao xao, rung rinh, lảo đảo, nhấp nháy, dửng dưng, thoang thoảng, thăm thẳm, long lanh, thoang thoảng, mênh mang, mênh mông, tím lịm, liêu xiêu, tào lao…
Công dụng của từ láy
Mặc dù được cấu tạo của từ láy có bộ phận không có nghĩa nhưng khi chúng đứng bên cạnh nhau, được ghép với nhau thì lại tạo thành một từ có nghĩa. Trong các văn bản văn học, các tác phẩm thơ ca, từ láy có tác dụng để miêu tả hình dạng, nhấn mạnh đặc điểm của tâm lý, tình trạng, tinh thần, tâm trạng… của con người, các hiện tượng, sự vật trong cuộc sống.
Từ láy còn có tác dụng tạo nên nhạc tính cho từ, làm cho từ có tính nhạc, tạo nên những từ gọi là “từ tượng thanh”, từ tượng hình”.
Phân loại từ láy theo bậc láy
Thông thường, các bạn tìm kiếm trên google sẽ cho phân loại từ láy thành 2 kiểu đó là láy toàn bộ và láy bộ phận. Tuy nhiên, cách phân loại ấy thật sự chưa đầy đủ với một ngôn ngữ phong phú như tiếng Việt. Để phân loại từ láy chúng ta có những cách phân chia khác nhau, phân chia theo bậc láy, phân chia theo số lượng tiếng, phân chia theo nghĩa của từ.
Bậc láy là thứ tự của lần láy được thực hiện để tạo ra từ láy. Trong tiếng Việt thường dùng từ láy bậc một và từ láy bậc hai.
Láy bậc một
Từ láy bậc một là từ do phương thức láy được thực hiện lần thứ nhất tạo ra. Thông thường đây là từ láy 2 tiếng, tuy nhiên cũng không ít trường hợp là từ láy 4 tiếng, 3 tiếng.
Ví dụ:
– vàng vàng, đẹp đẽ, lòng thòng;
– ngay ngáy, thình lình, đủng đỉnh;
– sạch sành sanh;
– không khổng khồng không;
– buồn thỉu buồn thiu…
Láy bậc hai
Từ láy bậc hai là từ láy được tạo ra do phương thức láy được thực hiện lần thứ 2 đối với một từ vốn đã là từ láy. Hiểu đơn giản là láy thêm một lần nữa.
Trong trường hợp này thông thường cái vốn là từ láy bậc một trở thành phần gốc trong từ láy bậc hai cho nên phần gốc này luôn luôn có nghĩa.
Từ không láy | Từ láy bậc một | Từ láy bậc hai |
[chín] mõm [chín] cuống [chín] vội | Mõm mòm Cuống cuồng Vội vàng | Mõm mòm mom Cuống cuồng cuông Vồi vội vàng vàng |
[đen] lánh | Lấp lánh ấp úng ỡm ờ kề cà | Lấp la lấp lánh ấp a ấp úng ỡm à ỡm ờ kề rề cà rà |
Phân loại từ láy theo số lượng tiếng
Xét về số lượng tiếng trong từ láy người ta thường dừng lại ở 3 lớp từ: láy đôi, láy ba, láy tư. Vì số lượng láy đôi nhiều hơn cả và được sử dụng nhiều trong tiếng Việt cho nên bình thường khi nhắc đến từ láy, người ta mới thường cho rằng từ láy gồm láy toàn bộ và láy bộ phận. Thực chất 2 loại từ láy này chỉ có ở trong láy đôi thôi. Còn các loại từ láy khác thì không phân chia như vậy.
Láy đôi
Từ láy đôi là hình thức láy dựa theo cách xét về cấu tạo của 2 tiếng trong từ. Trong một tiếng thì gồm có 3 bộ phận là: phụ âm đầu, phần vần và thanh điệu. Ba bộ phận này liên kết với nhau để tạo nên một tiếng trọn vẹn.
Trong từ láy đôi gồm có láy bộ phận và láy toàn bộ.
Từ láy toàn bộ
Láy toàn bộ không phải là lặp lại âm thanh một cách nguyên vẹn mà là sự lặp âm thanh có biến đổi và có tác dụng tạo nghĩa biểu trưng cho từ. Sự biến đổi này tạo nên quy tắc hòa phối ngữ âm chặt chẽ cho từ.
Từ láy toàn bộ là từ láy trong đó có tiếng gốc được lặp lại hoàn toàn ở tiếng láy với sự khác biệt trong việc sử dụng trọng âm.
Từ láy toàn bộ giữa hai tiếng chỉ khác nhau về trọng âm (độ căng và độ kéo dài).
- hao hao, lăm lăm, đùng đùng, lù lù.
Từ láy toàn bộ giữa hai tiếng có thêm sự khác biệt ở thanh điệu.
- đo đỏ, hơ hớ, sừng sững, chầm chậm.
Từ láy toàn bộ giữa hai tiếng có thêm sự khác biệt ở phụ âm cuối.
- cầm cập, lôm lốp, ăm ắp, thiêm thiếp, nơm mớp.
- giôn giốt, ngùn ngụt, phơn phớt, hun hút, san sát.
- vằng vặc, nhưng nhức, rừng rực, phăng phắc, chênh chếch, anh ách.
Từ láy bộ phận
Từ láy bộ phận là chỉ láy một phần trong cấu tạo của tiếng, phần vần hoặc phần phụ âm đầu. Trong từ láy bộ phận lại chia thành láy âm và láy vần.
Từ láy âm. Là từ có phụ âm đầu trùng lặp và có phần vần khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.
- Hú hí, thủ thỉ, đủng đỉnh, nhúc nhích
- Gồ ghề, hổn hển, cồng kềnh, ngốc nghếch
- Cò kè, cót két, ngo ngoe, long lanh, nhóc nhách.
- Nhu nhơ, đù đờ, ú ớ.
- Hỉ hả, rỉ rả, xí xóa
- Hục hặc, lúc lắc, vùng vằng,
- Hốc hác, mộc mạc, nhồm nhoàm
- Khề khà, lê la, hể hả
- La liếm, tha thẩn, le lói, nhớn nhác…
Từ láy vần. Là từ có phần vần trùng lặp và có phụ âm đầu khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.
- Lẫy bẫy, luẩn quẩn, lim dim, lác đác.
- Bầy hầy, bâng khuâng, bông lông, bỡ ngỡ
- Càu nhàu, kề rề
- Hấp tấp
- Khéo léo, khúm núm, khọm rọm
- Mung lung (mông lung)
- Tênh hênh, tuốt luốt, táy máy, tần ngần, tẹp nhẹp
- Xiềng liềng, xo ro…
Ở kiểu láy này phần lớn là từ chứa một tiếng rõ nghĩa gọi là tiếng gốc. Số từ láy có tiếng gốc đứng sau nhiều hơn số từ láy có tiếng gốc đứng trước.
Láy ba
Từ láy ba là từ láy gồm có 3 tiếng. Biểu hiện rõ qua sự phối thanh. Như tiếng thứ hai mang thanh bằng, hoặc tiếng thứ nhất và tiếng thứ ba đối lập nhau về thanh điệu.
- Dửng dừng dưng
- Cỏn còn con
- Sạch sành sanh
- Khít khìn khịt
- Sát sàn sạt, xốp xồm xộp
Trong đó, đa số từ láy ba là từ láy toàn bộ, một số ít là từ láy vần ( lơ tơ mơ, lù tù mù…)
Láy tư
Phần lớn từ láy tư có phần gốc là một từ láy đôi, một số ít có phần gốc là từ ghép. Từ láy tư khá đa dạng về kiểu cấu tạo, ví dụ:
- ấm a ấm ớ <= ấm ớ.
- Hì hà hì hục <= hì hục.
- Sớn sa sớn sát <= sớn sát.
- Bổi hổi bồi hồi <= bồi hồi.
- Loang choáng loạng choạng <= loạng choạng.
- Lồm nhồm loàm nhoàm <= nhồm nhoàm.
- Lơ thơ lẩn thẩn <= thơ thẩn
- Hăm hăm hở hở <= hăm hở
- Hôi hối ha hả <= hối hả
- Bù lu bù loa, bông lông ba la, buồn thỉu buồn thiu, tí tụ tì ti…
Phân loại từ láy theo nghĩa của từ
Xét tác dụng của các bộ phận tham gia cấu tạo nghĩa của từ láy, có thể chia thành 3 nhóm là láy phỏng thanh, láy sắc thái hóa, láy cách điệu.
Từ láy phỏng thanh
Láy phỏng thanh là từ nhại thanh hoặc mô tả tiếng âm thanh, tiếng vang.
- Oa oa, gâu gâu, đùng đùng.
- Cu cu, bìm bịp, bình bịch (tiếng xe), cút kít (tiếng xe).
Từ láy sắc thái hóa
Là từ láy có phần gốc còn đủ rõ nghĩa và chi phối toàn bộ từ láy. Phần láy đem lại một sắc thái nghĩa nào đó khác với từ láy khác có cùng chung phần gốc và phần láy cũng có thể có nghĩa khác khi đứng một mình.
- Chắc chắn, chăng chắc
- Đỏ đắn, đo đỏ
- Đẹp đẽ, đèm đẹp
(so với chắc, đỏ, đẹp khi đứng một mình biểu thị sắc thái khác khi nó ở trong từ láy).
Từ láy cách điệu
Là từ láy không chứ bộ phận còn đủ rõ nghĩa từ vựng, có nghĩa là mỗi tiếng trong từ láy không thể hiện rõ nghĩa.
- Bâng khuâng, đủng đỉnh, thình lình, linh tinh.
Dạng láy là gì?
Có một khái niệm bạn nên biết đó là dạng láy. Dạng láy là hình thức lặp lại y nguyên từ và cùng độ căng khi nói, không có sự khác biệt về âm điệu. Dạng láy giống như một hình thức để nói về số nhiều.
- Nhà nhà, chiều chiều, sáng sáng, ngày ngày…
Sự khác biệt giữa từ láy và dạng láy
Như vậy nếu không hiểu rõ về âm điệu, độ lên xuống cũng như sắc thái từ thì có thể bị nhầm lẫn giữa dạng láy và từ láy.
Dạng láy sẽ không biểu thị sắc thái của từ giống từ láy.
- Xanh xanh: từ láy, có nghĩa chỉ mức độ của màu xanh
- Đỏ đỏ: từ láy, chỉ mức độ đỏ, hơi đỏ.
Từ ghép là gì?
Nó là một loại từ phức được tạo thành bởi ít nhất 2 từ đơn với điều kiện là những từ này phải có nghĩa và có quan hệ về nghĩa với nhau. Từ phức khác với từ ghép là nó cũng được tạo bởi 2 hoặc nhiều từ đơn nhưng có thể có nghĩa hoặc không có ý nghĩa gì.
Từ ghép có thể tạo thành từ 1 danh từ + 1 động từ, 2 động từ, 1 tính từ + danh từ….
Ví dụ từ ghép
Quần áo => quần, áo đều mang nghĩa về trang phục, ăn mặc.
Cha mẹ => cha, mẹ đều mang nghĩa là người thân trong gia đình.
Cây cỏ => cây, cỏ là những loài thực vật sống bằng dinh dưỡng từ đất, ánh sáng và không khí.
Công dụng của từ ghép
Công dụng của từ ghép là chúng giúp xác định nghĩa của các từ ngữ trong văn nói và văn viết một cách chính xác.
Phân loại từ ghép
Từ ghép được chia thành 4 loại chính gồm:
Từ ghép chính phụ. Là loại từ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho nhau, trong đó tiếng chính thường có nghĩa rộng, bao quát một sự việc, hành động, sự vật. Tiếng phụ thường đứng sau tiếng chính, có nhiệm vụ bổ nghĩa cho tiếng chính. Loại từ ghép này có tính phân nghĩa rõ ràng.
Ví dụ từ ghép chính phụ: Hoa hồng, bánh mì, thịt bò…
Để phân biệt và tạo được từ ghép chính phụ, hãy cùng mình phân tích từ Hoa hồng. Ta thất từ hoa là từ chính vì nhắc đến hoa thì có nghĩa rộng hơn từ hồng. Từ hoa có thể ghép với bất kỳ từ nào để thành một từ ghép chính phụ như hoa lan, hoa mai, hoa cúc…
Từ ghép đẳng lập. gồm 2 hoặc nhiều từ tạo thành từ ghép đẳng lập đều có nghĩa và bình đẳng về mặt ngữ pháp, không có từ nào được xem là từ chính và ngược lại.
Ví dụ từ ghép đẳng lập: Sách vở, cây cỏ, phong cảnh…
Từ ghép tổng hợp. Là loại từ được ghép từ 2 hoặc nhiều từ đơn nhưng có nghĩa tổng quát, chung cho một danh từ, địa điểm hay hành động cụ thể nào.
Ví dụ: Bánh trái là từ ghép tổng hợp nói chung cho nhiều loại bánh hoặc trái.
Từ ghép phân loại. Là từ mang một nghĩa cụ thể, xác định chính xác một địa danh, hành động hay tên gọi nào đó.
Ví dụ: Bánh pizza chỉ tên một loại bánh được làm từ bột mì và nhiều thành phần khác.
Cách phân biệt từ láy và từ ghép tiếng Việt
Từ ghép | Từ láy |
Các tiếng tạo ra đều có nghĩa | Có tiếng mang nghĩa và tiếng không mang nghĩa, mờ nghĩa. |
Giữa các tiếng tạo ra thường không liên quan về âm | Các tiếng tạo ra thường có sự tương đồng về cách phát âm (giống nhau về phụ âm đầu, phần vần hay giống nhau toàn bộ.) |
Cách 1: Đảo lộn các tiếng
Cách đơn giản nhất để phân biệt từ ghép và từ láy là đảo lộn các tiếng với nhau nếu đảo được mà đọc lên vẫn hiểu nghĩa thì đó là từ ghép, nếu không có nghĩa gì là từ láy âm.
Ví dụ: từ loè loẹt là từ láy âm vì đảo ngược lại loẹt loè không có ý nghĩa gì, nhưng từ hoa quả đổi lại quả hoa cũng có nghĩa.
Các từ tương tự như: mờ mịt, tối tăm, thẫn thờ, giữ gìn,…
Ngược lại nếu đảo không được là từ láy
Ví dụ rõ ràng, thấm thoát, lạnh lùng, may mắn,..
Cách 2. Xem xét các tiếng tạo thành có tiếng nào là từ Hán việt hay không?
Từ láy âm có 1 trong 2 âm tiết thuộc từ Hán Việt thì nó là từ ghép, cho dù nhìn nó có vẻ là dạng láy tự nhiên:
Ví dụ: minh mẫn, cập kê, tử tế, tương tư,…
Cách 3. Xem xét nghĩa hai tiếng tạo thành
Từ có hai tiếng đều có nghĩa như: máu mũ, che chắn, trai trẻ thì mặc dù chúng giống nhau phụ âm đầu hay phần vần thì nó vẫn không phải là từ láy, mà là từ ghép. Nếu từ có một tiếng có nghĩa thì là từ láy âm: lạnh lùng, đau đớn, ngất ngây…
Như vậy từ láy thật sự quan trọng với tiếng Việt và có ý nghĩa to lớn làm phong phú tiếng Việt hơn.
Bỗng nhiên mình nhớ đến câu thơ trong một ngày đã cuối mùa thu “Bỗng nhận ra hương ổi/phả vào trong gió thu/Sương chùng chình qua ngõ/Hình như thu đã về”. Từ láy “chùng chình” góp phần diễn tả một cách khéo léo hình ảnh những màn sương mù khói, khó mà sử dụng một từ đơn nào thay thế được. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết chủ đề Từ láy là gì cũng La Factoria Web, cùng chờ đón những nội dung trong chuyên mục Là gì của chúng mình nhé.