Theo làn sóng toàn cầu hóa tại Việt Nam, Logistics ra đời và nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới trẻ. Logistics tạo ra những công việc thú vị với mức lương hấp dẫn và tính chất công việc luôn đổi mới, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Tuy vậy không ít người vẫn mơ hồi khi nhắc về Logistics. Vậy Logistics là gì? Học ngành Logistics cơ hội việc làm ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!

Logistics là gì?
Theo điều thứ 233 của Luật thương mại có viết:
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Logistics là tên gọi của dịch vụ logistics trong thời gian đầu cụm từ này mới xuất hiện tại Việt Nam. Ngày trước người ta dùng từ “hậu cần” để lý giải cho logistics. Nhưng hiện nay, tại VN, hầu hết những nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta, cũng như marketing, container…
Và, Thuật ngữ logistics cũng đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005, và được phiên âm theo tiếng Việt là “lô-gi-stíc”.
Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.
Logistics là học gì?
Logistics tại Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh nhất theo dự đoán của các thành viên khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Học Logistics các bạn sẽ được trang bị các kiến thức như sau:
Giao dịch thương mại Quốc tế: Quá trình hình thành hợp đồng và tổng quan về ngành Logistics sau khi hợp đồng đã được hình thành. Những điều khoản Incoterm trong quá trình giao dịch hàng hóa cho cả người bán lẫn người mua, cách khai báo hải quan và thông quan hàng nhập, hàng xuất qua hệ thống khai báo hải quan điện tử VINACCS.
Vận tải Quốc tế: Kiến thức liên quan đến việc chuyên chở và vận tải hàng hóa bằng đường biển, bằng đường hàng không, chuyên chở hàng hóa bằng Container…và cước phí vận tải liên quan đến hàng. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học về quá trình đóng gói và xếp dỡ hàng hóa, cùng với quá trình lưu kho, lưu bãi.
Bảo hiểm trong hoạt động kinh tế đối ngoại: Việc mua bán hàng hóa quốc tế thường xảy ra những rủi ro nhất
Thanh toán Quốc tế: Thanh toán là bước quan trọng nhất trong hoạt động mua-bán hàng hóa. Do đó, đây là kiến thức không thể thiếu cho người học Logistics.
Luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại: Bên cạnh bảo hiểm thì Luật pháp chính là căn cứ khi nảy sinh ra những tranh chấp mà hai bên không thể thỏa thuận được. Những kiến thức về luật pháp điều chỉnh trong nước và Luật quốc tế như Công ước Viên 1980, các quy tắc Hamburg và Hague Visby giúp người học nắm rõ được các nguyên tắc và các điều luật để tránh sai phạm và xảy ra kiện tụng, tranh chấp.
Kiến thức Anh văn chuyên ngành là một trong những gia vị không thể thiếu để bạn có thể đam mê và theo đuổi ngành Logistics. Quá trình soạn thảo hợp đồng và các loại thư Hỏi hàng, chào hàng, cùng với những kiến thức về tiếng Anh thương mại sẽ là cơ sở để sinh viên có thể thực hiện thành công quá trình xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa trên thương trường Quốc tế.

Quản trị logistics là gì?
Quản trị Logistics là hoạt động bao gồm quản lý vận chuyển đầu vào và đầu ra cho một tổ chức, sắp xếp đội xe, quản trị kho hàng, vật tư, hoàn tất đơn hàng, thiết kế mạng lưới Logistics, quản trị hàng tồn kho, dự đoán cung cầu, và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba. Tùy vào cách vận hành của từng của công ty, các chức năng của quản trị logistics có thể bao gồm thêm dịch vụ khách hàng, thu mua và lên kế hoạch sản xuất. Một doanh nghiệp, phòng ban Logistics sẽ làm việc trực tiếp với nhiều phòng ban khác, như: marketing, sales, tài chính, và công nghệ thông tin.
Trong quản trị Logistics, các quyết định sai lầm thường dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có.
Lịch sử logistics
Theo hành trình lịch sử, thuật ngữ logistics bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã. Khi đó, những chiến binh có chức danh “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sĩ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc “hậu cần” này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này gọi là quản lý logistics.
Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, vai trò của “logistics” càng được khẳng định. Đội quân hậu cần của quân đội Mỹ và đồng minh tỏ ra có hiệu quả hơn của quân đội Đức. Quân Mỹ đã đảm bảo cung cấp vũ khí, đạn dược, và quân nhu đúng địa điểm, đúng thời gian, bằng những phương thức tối ưu. Cũng trong thời gian này, nhiều ứng dụng về logistics đã được phát triển và vẫn còn được sử dụng đến ngày nay và thay đổi từng ngày để phù hợp hơn.

Logistics trong luật Việt Nam
Điều 233 Luật thương mại Việt Nam có nhắc đến logistics như sau:
“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Định nghĩa logistics mang tính học thuật
Hiện có nhiều định nghĩa học thuật về thuật ngữ logistics. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP),logistics được định nghĩa khá đầy đủ như sau:
“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”
Phân biệt logistics với “Chuỗi cung ứng”
Để có căn cứ phân biệt, chúng ta hãy nhắc lại khái niệm “chuỗi cung ứng” cũng của Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng:
“Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Ở mức độ quan trọng, quản trị chuỗi cung ứng bao gồm sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng. Về cơ bản, quản trị chuỗi cung ứng sẽ tích hợp vấn đề quản trị cung cầu bên trong và giữa các công ty với nhau. Quản trị chuỗi cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các chức năng kinh doanh và các quy trình kinh doanh chính yếu bên trong công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cao và kết dính. Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt động quản trị logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về quy trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.”
So sánh hai định nghĩa trên, chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự khác nhau cơ bản. Khái niệm chuỗi cung ứng rộng hơn và bao gồm cả logistics và quá trình sản xuất. Ngoài ra, chuỗi cung ứng chú trọng hơn đến hoạt động mua hàng (procurement) trong khi logistics giải quyết về chiến lược và phối hợp giữa marketing và sản xuất.
Ví dụ cụ thể về dịch vụ logistics
Dưới đây là ví dụ về dịch vụ logistics cho công ty May 10, trích từ bài viết trên diễn đàn Vietship của thành viên có tên Dangerous Goods.
Công ty May 10 sản xuất và phân phối quần áo đi khắp nơi trong và ngoài nước, giao hàng đến tận nơi, đến tận giá bán hàng của các đại lý bán buôn, bán lẻ, thu hồi sản phẩm hư hỏng, lỗi, bán thanh lý hàng hết mốt, sale, promotion..v.v..
Những việc cơ bản họ phải làm hàng ngày là làm hợp đồng, đặt mua vải, chỉ, cúc, khóa, đinh, dây.v.v… ở trong, ngoài nước và sẽ ở nhiều nước khác nhau, nhiều thành phố khác nhau.
Công việc vận hành hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng sẽ có những đơn hàng theo lịch trình lập trước gửi cho các công ty vận tải (công ty logistics) đến giờ này, ngày này, tháng này công ty May 10 sẽ cần bao nhiêu cont vải của Italy, bao nhiêu kg cúc của Hàn Quốc, bao nhiêu chỉ từ nhà máy trong Biên Hòa chuyển ra để làm đơn hàng A trong bao nhiêu ngày,… Căn cứ theo Order của may 10, công ty vận tải lên kế hoạch và trao đổi cùng May 10 để quyết định ngày nào thì nhập cái gì trước, bằng đường nào, có thể kết hợp hay ghép hàng với đơn hàng khác hoặc của đơn vị khác hay không,…., Nhằm tiết kiệm tiền vận chuyển tối đa cho May 10, kịp tiến độ sản xuất hàng ngày mà lại không mất nhiều chi phí lưu kho.
Nếu mọi việc đều suôn sẻ thì công ty vận tải cứ thế mà làm và thu tiền. Nhưng, lúc nào cũng sẽ có chữ “nhưng”, sẽ có lúc 1 trong những nguyên nhân khách quan đem đến, May 10 buộc phải nhập nguyên phụ liệu gấp để kịp về sản xuất, đây là lúc các anh chị vận tải sẽ phải đưa ra phương án tối ưu cho khách hàng, đi bằng gì Sea (LCL; FCL), Truck, Rail, Sea-Air hay Air… Vậy là các công ty giao nhận vận tải (công ty logistics) phải tham gia sâu hơn vào công việc sản xuất kinh doanh của May 10.
Hàng sản xuất ra sẽ cần đến 1 hãng tàu, 1 công ty Logistics hay 1 cty FWD nào đó cho 1 vài anh chị khéo miệng đến nói dăm ba câu phải trái, hạ giá, nâng hoa hồng để giành việc vận chuyển. Nhưng cạnh tranh thế thì khó lắm, công ty đang làm vận tải cho may 10 họ phải dán tem mã, đánh số từng sản phẩm, từng thùng hàng, từng đơn hàng, từng lô hàng, còn 1 số động tác nữa xin được bỏ qua, họ phải quét mã để có số liệu hàng hóa để đưa lên mạng của công ty vận tải và để cùng quản lý lượng hàng, phụ liệu vào/ ra với May 10 nữa.
Hàng chuẩn bị ra lò rồi thì kế hoạch phân phối đi nội địa bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu, cửa hàng này bao nhiêu sản phẩm, cửa hàng kia bao nhiêu sản phẩm thì các anh vận tải cũng có rồi, lúc này thì công ty vận tải sẽ lên kế hoạch đóng đơn nào, đi đâu trước, có thể có hàng lẻ, hàng cont, hàng bộ, hàng Air. Vì công ty vận tải người ta đã làm bao nhiêu công đoạn có lãi rồi, nếu cần cạnh tranh bằng giá, họ sẵn sàng cạnh tranh giá thấp hơn và sẽ sử dụng dịch vụ của hãng vận tải giá cao/ dịch vụ tốt hơn ông giá rẻ/ dịch vụ kém và hơn nữa họ có 1 loạt công cụ mà hãng vận tải trực tiếp không bao giờ cạnh tranh được thì chắc chắn May 10 sẽ không bỏ công ty vận tải trọn gói kia được và lúc đó hãng vận tải trực tiếp chỉ đi săn đón các ông làm vận tải trọn gói cho các nhà máy như May 10.
Hàng chuyển đến cảng đích rồi việc của công ty logistics lại tiếp tục làm thủ tục hải quan, chuyển hàng đến kho phân phối hoặc chuyển trực tiếp đến từng cửa hàng đặt sản phẩm hoặc đại lý bán hàng cho May 10…v.v…
Công ty logistics có thể thu tiền, ghi lại báo cáo lượng hàng tiêu thụ, hàng tồn, hàng đổi, bảo hành, yêu cầu chuyển thêm hàng vào ngày mai,…. cho may 10 từ đó May 10 có kế hoạch sản xuất, phân phối, thu đổi, bảo hành, khiếu nại nhà cung cấp vật liệu,…. và báo cho công ty vận tải kế hoạch vận chuyển, thị trường này đang cần hàng này, không cần hàng kia, thị trường này bán ế move qua thị trường khác để clear hàng. Đơn nào còn đang nằm trong kho, đơn nào đã ra thị trường và nằm tại shop nào, ngày tháng nào thì Sale, promotion đơn nào, loại gì. Tất cả, tất cả những sản phẩm của May 10 đang nằm tại đâu, đất nước nào, thành phố nào, kho hàng nào đều được công ty vận tải quản lý và cập nhật thay đổi hàng ngày với May 10.
Các cấp bậc của nghề Logistics
– Logistics Officer ($300 – $700): Vị trí này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics khá cao so với mặt bằng chung, khoảng 6-7 triệu/ tháng.
– Logistics Supervisor ($1000 – $1500): Bạn có thể được cất nhắc lên vị trí này khi đã có trong tay 1-2 năm kinh nghiệm.
– Logistics Manager ($1000 -$4000): Để trở thành Logistics Manager, bạn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cùng khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát.
– Logistics Director ($4000 – $6000): Là người đứng đầu, quản lý, phân bổ và kiểm soát hoạt động Logistics trong công ty, phải nằm lòng nghiệp vụ và có trên 8 năm kinh nghiệm.
– Supply Chain Director ($5000 – $7000): Supply Chain Director (Giám đốc chuỗi cung ứng) sẽ phụ trách tất cả các hoạt động Logistics liên quan đến chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà còn có thể ở phạm vi quốc tế.
Phân loại Logistics theo quá trình
Inbound Logistics (Logistics đầu vào): gồm hoạt động tiếp nhận và lưu trữ nguyên vật liệu đầu vào từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp, đảm bảo các yếu tố đầu vào được cung ứng một cách tối ưu về giá trị, thời gian và chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất.
Outbound Logistics (Logistics đầu ra): gồm các hoạt động như kho bãi lưu trữ, phân phối sản phẩm đến nơi nhận (nhà bán buôn, bán lẻ, khách hàng,…) sao cho tối ưu về địa điểm, thời gian và chi phí nhằm tạo ra thành phẩm với giá thành rẻ, đáp ứng toàn diện, kịp thời.
Reverse Logistics (Logistics ngược): gồm các hoạt động của quá trình thu hồi sản phẩm lỗi, phế phẩm, phế liệu,… phát sinh sau khi phân phối sản phẩm, nhằm mục đích tái chế hoặc xử lý.
Cơ Hội Và Thách Thức Trong Ngành Logistics
Cơ hội
Công nghệ thông tin đang trên đà phát triển và chính là một trong những yếu tố then chốt để phát triển hoạt động Logistics tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu khai thác thị trường quốc tế.
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi: hệ thống giao thông đường bộ có các con đường quốc lộ và cao tốc nối liền các tỉnh, các vùng và liên thông đến cửa khẩu quốc tế với Lào, Trung Quốc, Campuchia; đường bờ biển trải dài hơn 2.000 km, có nhiều cảng nước sâu, các sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia…
Triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển khu cảng nước sâu Cái Mép, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt xuyên Á, hệ thống đường bộ cao tốc,… tạo thuận lợi hội nhập sâu trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với sự đầu tư, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, Samsung,…Đây là mảnh đất màu mỡ để ngành Logistics phát triển.
Thách thức
Trên 70% doanh nghiệp dịch vụ Logistics hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm sở hữu vốn lớn chủ yếu là những doanh nghiệp đa quốc gia. Lao động lành nghề đang bị thiếu hụt về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Logistics phần nhiều chưa được đào tạo bài bản và chưa đáp ứng được tối đa chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.
Bất cập về trình độ công nghệ thông tin: kết quả điều tra của Đại học kinh tế Quốc dân cho thấy, việc ứng dụng phần mềm vào quản lý kho bãi và cơ sở bán hàng ở đa phần các tỉnh, thành rất thấp (cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 39,3%; Hà Nội 32,7%; Đà Nẵng 30,3%). Ngoài ra, tổ chức tư vấn SMC cũng cho biết 45% công nghệ thông tin của nhà cung cấp trong nước không đạt yêu cầu.
Ngành Logistic đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng trưởng 15-30% và chiếm 20% tổng GDP cả nước. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 1.500 doanh nghiệp làm việc trong ngành Logistics, tuy nhiên chỉ có 5-7% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Quy trình của dịch vụ Logistic cơ bản
Doanh nghiệp càng lớn nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thì Logistics sẽ là chiến lược cần đầu tư công sức và tiền bạc.
Các hoạt động của Logistics bao gồm:
Dịch vụ khách hàng;
Dự báo nhu cầu;
Thông tin trong phân phối;
Kiểm soát lưu kho;
Vận chuyển nguyên vật liệu;
Quản lý quá trình đặt hàng;
Lựa chọn địa điểm nhà máy và kho;
Thu gom hàng hóa;
Đóng gói, xếp dỡ hàng;
Phân loại hàng hóa.
Câu hỏi khó đặt ra ở đây là kho bãi kết hợp với những phương tiện vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sắt,….Dịch vụ Logistics ra đời với sự chuyên nghiệp và giải pháp Logistics thông minh sẽ là đối tác cực kỳ hữu ích cho doanh nghiệp.
4 hình thức quản trị Logistics
1 PL Logistics – First Party Logistics
Doanh nghiệp sản xuất sẽ tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động lưu trữ, vận chuyển từ đầu vào tới đầu ra là người tiêu thụ cuối cùng.
2 PL Logistics – Second Party Logistics
Doanh nghiệp vừa thực hiện quản lý Logistics vừa thuê ngoài dịch vụ Logistics cho một hoạt động trong chuỗi hoạt động Logistics. Như vậy, sẽ có 2 bên liên quan.
3PL Logistics- Third Party Logistics
Doanh nghiệp chủ động thuê ngoài dịch vụ Logistics chuyên biệt quản lý và thực hiện một vài hoặc mọi hoạt động của Logistics.
4PL Logistics – Fourth Party Logistics
Doanh nghiệp thuê dịch vụ Logistics lo tất cả mọi thứ từ đầu ra tới phân phối, quản lý và điều hành các bên liên quan để tạo thành chuỗi Logistics hiệu quả.
Những công việc của ngành logistics phổ biến hiện tại
Nhân viên vận hành kho (Warehouse staff)
Công việc cụ thể
– Nhận đơn của khách và sắp xếp lịch vận chuyển hàng
– Xếp lịch các tuyến giao hàng khoa học, hợp lý, đúng thời hạn và tiết kiệm chi phí
– Quản lý hoạt động điều vận, bốc xếp và giao nhận hàng hóa
– Hướng dẫn, giám sát công tác kiểm tra số lượng, chất lượng hoàng hóa từ khi xuất kho cho đến khi tới tay khách hàng
– Quản lý lưu chuyển hóa đơn, chứng từ
– Phối hợp với người chuyên chở, nhân viên vận tải và khách hàng hoặc các đối tác khác để giải quyết sự cố phát sinh ảnh hưởng tới hoạt động giao hàng.
Nhân viên kinh doanh
Công việc cụ thể
– Nhân viên kinh doanh cung cấp các thông tin cần thiết và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty
– Duy trì lượng khách hàng vốn có bằng cách giữ liên lạc thường xuyên, cập nhật chính sách, ưu đãi mới…
– Mở rộng tập khách hàng bằng cách quảng bá dịch vụ, chăm sóc khách hàng mới
– Phụ trách hỗ trợ, giám sát khi có vấn đề phát sinh để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất tới tay khách hàng
Nhân viên chứng từ (Document staff)
Công việc cụ thể
– Soạn thảo, xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu: hợp đồng, vận đơn, hóa đơn, lệnh giao hàng, giấy báo hàng đến…
– Chuẩn bị bộ chứng từ khai hải quan, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng, các công văn, tờ trình cho các bên liên quan…
– Liên hệ với khách hàng, phối hợp với bộ phận hiện trường làm thủ tục thông quan hàng hóa
– Lưu trữ hồ sơ, chứng từ
Nhân viên cảng
Công việc cụ thể
– Kiểm tra an toàn lao động, công cụ, kiểm soát các thiết bị, băng tải trong quá trình vận hành
– Bố trí tàu ra vào hợp lý
– Điều động phương tiện, công nhân bốc xếp
– Lập biên bản khi có sự cố xảy ra
Chuyên viên thu mua (Purchasing staff)
Công việc cụ thể
– Lập kế hoạch, lên danh sách ưu tiên cho các hoạt động thu mua, làm việc trực tiếp với phòng kế hoạch và sản xuất
– Đánh giá kế hoạch đặt hàng, đưa ra yêu cầu và quản lý quá trình mua hàng
– Cung cấp thông tin, văn bản cần thiết cho nhà cung cấp
– Theo dõi tình trạng đơn hàng, ứng phó kịp thời với các sự cố
– Theo dõi đơn đặt hàng, xác nhận thời gian sản xuất, thời điểm giao hàng, chi phí
– Đánh giá, cập nhật, duy trì các đơn đặt hàng cho đến lúc kết thúc
– Đảm bảo đơn đặt hàng tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng
Nhân viên giao nhận (Forwarder)
Công việc cụ thể
– Tiếp nhận và xử lý thông tin của các lô hàng
– Lấy D/O, giấy ủy quyền tại hãng tàu, đại lý
– Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng để đưa ra giải pháp tối ưu
– Thu xếp, điều động phương tiện hỗ trợ việc vận chuyển
– Phối hợp với các bộ phận có liên quan để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất
– Theo dõi tiến độ giao hàng
Nhân viên hiện trường (Operation staff)
Công việc cụ thể
– Khai báo cho hải quan tại cảng
– Theo dõi quá trình đóng, xếp hàng trực tiếp tại kho
– Phối hợp với các bộ phận khác để tiếp nhận chứng từ và giao hàng cho khách hàng đúng thời hạn thỏa thuận
– Báo cáo chi tiết công việc cho phụ trách bộ phận và ban giám đốc
Nhân viên hải quan (Customs Clerk)
Công việc cụ thể
– Kiểm tra giấy tờ xuất nhập khẩu, đảm bảo hợp lệ, đúng pháp luật
– Kiểm tra, phân luồng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa là hợp pháp
– Thực hiện các hoạt động khai báo với hải quan thông qua phần mềm
– Hướng dẫn nhân viên hiện trường làm thủ tục cần thiết để thông quan hàng hóa
Chuyên viên thanh toán quốc tế
Công việc cụ thể
– Tiếp nhận chứng từ, cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế như chuyển tiền, phát hành L/C…
– Kiểm tra tính pháp lý của giấy tờ, hồ sơ của khách hàng, đảm bảo đúng mẫu, đúng quy định luật pháp
– Tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng trong phạm vi giao dịch
– Hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ cần thiết để thanh toán
– Lưu giữ sổ sách, tài liệu, hồ sơ về công tác kế toán theo quy định ngân hàng
Nhân viên chăm sóc khách hàng (Customer service)
Công việc cụ thể
– Cung cấp các tài liệu cần thiết cho khách hàng
– Xử lý yêu cầu của khách hàng nhanh chóng, hiệu quả
– Thông báo về tình trạng hàng hóa trên đường vận chuyển cho khách hàng
– Theo dõi các đơn đặt hàng lớn, giải quyết yêu cầu khách hàng kịp thời
– Lưu giữ thông tin, tăng cường các mối quan hệ với khách hàng
Học Logistics ở đâu là tốt nhất?
Tuy về đến Việt Nam trong đoạn thời gian ngắn nhưng ngành Logistics vẫn giữ cho mình một chỗ đứng rất vững và được nhiều người đón nhận đặc biệt là giới trẻ. Dưới đây là những nơi đào tạo ngành Logistics tốt nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại:
– Đại học Ngoại thương (cả 3 cơ sở: Hà Nội, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh)
– Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh
– Đại học Hàng hải Việt Nam
– Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
– Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam
– Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP. Hồ Chí Minh
– Cao đẳng Tài chính Hải quan
– Đại học Giao thông vận tải Hà Nội
– Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
– Học viện Tài chính (Khoa Thuế – Hải quan)…
Bí quyết để có việc làm của ngành logistics
Thực trạng nhân lực ngành Logistics tại Việt Nam
Theo điều tra của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay nhân lực của các công ty Logistics chủ yếu được đào tạo như sau: Thông qua công việc hàng ngày chiếm tới 80,26%; tiếp đó là 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo; và 3,9% tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.
Theo đánh giá sơ bộ, ngành Logistics còn đang là một trong những ngành có mức lương “khủng” nhất hiện nay. Nguồn nhân lực cơ bản của ngành này không ít, nhưng tìm kiếm nhân lực chất lượng có thể đảm đương các vị trí chuyên môn, quản lý quan trọng thì lại vô cùng khó.
Cộng đồng và các kênh thông tin tuyển dụng công việc ngành Logistics
Bạn có thể tham gia các diễn đàn, website trên internet để học hỏi kinh nghiệm cũng như cập nhật thông tin, những đổi mới của ngành như Logistics4vn, trang web của các hãng tàu, công ty dịch vụ Logistics… Trên facebook thì có các fanpage Cộng đồng Logistics Việt Nam, Logistics Vietnam… và group LOGISTICS VIETNAM, Cộng đồng xuất nhập khẩu – Logistics…
Đừng quên cập nhật các trang đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp mỗi ngày để không bỏ lỡ các cơ hội việc làm.
CV xin việc ngành Logistics
Một bản CV ấn tượng, chuyên nghiệp là điều không thể thiếu khi bạn tìm việc ngành Logistics. Nhà tuyển dụng có thể đánh trượt bạn bất cứ lúc nào nếu bạn không biết cách trình bày một CV xin việc khoa học, súc tích mà vẫn đầy đủ năng lực.
Lộ trình theo học Logistics hiệu quả
Ngoài việc hoàn thành chương trình học trên trường, tạo cho mình một lộ trình học hiệu quả cũng là một cách nhanh nhất để bạn thành công với ngành nghề này. Bạn nên có cho mình một vị tiền bối, một người thầy đề tham khảo thực tế công việc. Kiến thức trên trường là điều cần thiết nhưng không phải tất cả bởi những điều bạn học và việc bạn làm đều không giống nhau. Tìm cho mình thật nhiều cơ hội bám sát thực tế để hiểu sâu hơn về nghề nghiệp. Bên cạnh đó học ngoại ngữ là một việc vô cùng cần thiết khi bạn muốn làm công việc Logistics. Vẽ cho mình một lộ trình ngay từ đầu và thực hiện để dễ dàng đạt được mục tiêu bạn nhé!
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã hiểu được Logistics là gì rồi đúng không? Logistics luôn rất hấp dẫn như những ngày đầu vào đến Việt Nam. Vì vậy nếu thực sự đam mê Logistics hãy trang bị cho mình vốn kiến thức và lộ trình hợp lý để thực hiện ước mơ. Logistics chưa bao giờ đóng cửa với những người thực sự yêu thích ngành nghề này.