LC là gì? Xuất nhập khẩu hàng hóa là một trong những lĩnh vực cần đòi hỏi nhiều giấy tờ và quy trình. Ở bài viết trước, chúng ta đã trình bày về phí FOB, CIF trong xuất nhập khẩu, tiếp đến trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm đáp án cho câu hỏi LC là gì? L/C trong xuất nhập khẩu có nghĩa là gì và những điều kiện, quy trình sử dụng L/C trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khái niệm LC là gì?
LC là gì? L/C là viết tắt của cụm từ Letter of Credit. Được gọi là thư tín dụng hay thư tín dụng chứng từ. L/C là thư do ngân hàng đại diện của bên nhập khẩu (bên mua) phát hành theo yêu cầu của của người nhập khẩu (bên mua) để cam kết với người xuất khẩu (bên bán) rằng bên nhập khẩu có khả năng hoàn trả, thanh toán một khoản tiền nhất định nào đó tại một thời điểm cụ thể được trình bày trong thư tín dụng, trong điều kiện bên xuất khẩu trình bày trình được một bộ chứng từ mua bán hợp lệ, đúng theo quy định của L/C.
Ví dụ: Nếu bạn A nhập khẩu hàng hóa của anh B, nhưng chưa có đủ tiền để trả hoặc chưa có điều kiện để trả ngay thì bạn A sẽ qua ngân hàng, mở thư tín dụng L/C. Bên phía ngân hàng sẽ cam kết cho anh B trả khoản tiền đó theo thời gian nào đó.
L/C là thư tín dụng có thể được viết theo 2 cách là LC hoặc L/C. Trong bài viết này, chúng mình ưu tiên dùng cách viết L/C.
Có một cách hiểu thứ hai về từ viết tắt LC. LC là kí hiệu dùng trong vật lý để chỉ mạch dao động điện từ. Mạch dao động điện từ LC là một mạch điện khép kín gồm một cuộn cảm L mắc với một tụ điện C.
Các loại thư tín dụng L/C
Sau khi tìm hiểu khái niệm LC là gì, chúng ta sẽ đến với nội dung xoay quanh khái niệm LC đầu tiên, LC là Letter of Credit – Thư tín dụng.
Thư tín dụng hủy ngang (Revocable L/C). Là thư tín dụng mà sau khi được mở thì tổ chức nhập khẩu có thể sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho người hưởng lợi L/C. Loại thư tín dụng hủy ngang này ít được sử dụng vì nếu mà có thể hủy bỏ thì không đảm bảo được gì cả, và đó là cam kết mà chẳng ai chắc chắn.
Thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C). Là thư tín dụng mà sau khi được mở thì ngân hàng mở L/C phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho tổ chức xuất khẩu và tổ chức nhập khẩu sẽ không được tự ý sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ những nội dung của L/C nếu không có sự đồng ý của tổ chức xuất khẩu.
Thư tín dụng L/C không hủy ngang đảm bảo quyền lợi cho bên xuất khẩu và hiện nay đang được sử dụng rất phổ biến. Lưu ý đặc biệt với các bạn là nếu Thư tín dụng L/C không ghi cụ thể là hủy ngang hay không hủy ngang thì nó được thừa nhận là LC không thể hủy ngang. (theo Điều 3 UCP 600-ICC 2006).
Thư tín dụng có xác nhận (Confirmed L/C). Là thư tín dụng có sự tham gia của 2 phía ngân hàng: ngân hàng mở L/C và ngân hàng xác nhận L/C. Đây là loại L/C không hủy ngang do 1 bên ngân hàng mở và được ngân hàng khác xác nhận. Có nghĩa là nó đảm bảo trả tiền theo yêu cầu hoặc theo sự ủy nhiệm của ngân hàng mở. Sự xác nhận của ngân hàng kia là 1 cam kết chắc chắn cộng thêm vào cam kết chắc chắn của ngân hàng mở.
Thư tín dụng trả chậm (Usance Payable L/C). Loại thư tín dụng này có đặc điểm người bán cho phép người mua trả chậm, thanh toán vào một thời điểm sau ngày L/C phát hành. Do đó, trên L/C có ghi rõ ngày thanh toán.
- Thư tín dụng trả chậm có xác nhận: Trong trường hợp có xác nhận thì cả ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo (có thể là ngân hàng xác nhận) chịu trách nhiệm thanh toán đối với người xuất khẩu.
- Thư tín dụng trả chậm không có xác nhận: Trong trường hợp không có xác nhận thì chỉ có ngân hàng phát hành chịu trách nhiệm thanh toán đối với người xuất khẩu. Ngân hàng thông báo không có nghĩa vụ thanh toán đối với người xuất khẩu.
Thư tín dụng trả dần (Deferred L/C). Là thư tín dụng L/C, trong đó quy định việc trả tiền làm nhiều lần cho người bán sẽ được thực hiện sau 1 thời gian nhất định kể từ ngày giao hàng (date of B/L) hoặc ngày xuất trình chứng từ (presentation date).
Với loại thư tín dụng L/C này, người bán giao hàng và xuất trình chứng từ như L/C quy định. Khi bộ chứng từ được ngân hàng xác định là hợp lệ, ngân hàng sẽ chấp nhận thanh toán và thực hiện việc trả tiền vào ngày đáo hạn như đã quy định, có thể trả 1 lần hoặc nhiều lần theo thỏa thuận.
Thư tín dụng dự phòng (Standby letter of Credit). Là một tín dụng chứng từ hay dàn xếp tương tự, thể hiện nghĩa vụ của ngân hàng phát hành tới người thụ hưởng trong việc:
- Thanh toán lại khoản tiền mà người yêu cầu mở L/C dự phòng đã vay hoặc được ứng trước.
- Thanh toán khoản nợ của người mở L/C dự phòng.
- Bồi thường những thiệt hại do người mở L/C dự phòng không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Do đó thư tín dụng dự phòng được xem như là phương tiện thanh toán thứ yếu. Sự khác nhau về L/C thương mại và L/C dự phòng là L/C thương mại hoạt động trên cơ sở thực hiện hợp đồng của người bán. Ngược lại, L/C dự phòng đảm bảo cho người thụ hưởng trong trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện.
Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving Letter of Credit). Thư tín dụng tuần hoàn là một cam kết từ phía ngân hàng phát hành phục hồi lại giá trị ban đầu của thư tín dụng sau khi nó đã được sử dụng. Số lần phục hồi và khoảng thời gian còn hiệu lực phải được quy định trong L/C.
- Thư tín dụng tuần hoàn tích lũy: Trường hợp L/C tuần hoàn tích lũy, số tiền đã sử dụng có thể được thêm vào cho lần giao hàng kế tiếp.
- Thư tín dụng tuần hoàn không tích lũy: Trường hợp tín dụng tuần hoàn không tích lũy, những khoản tiền từng phần không được sử dụng sau khi đã hết thời hạn hiệu lực.
Thư tín dụng chuyển nhượng (Transferable Letter of Credit). Người thụ hưởng trong L/C chuyển nhượng có quyền yêu cầu ngân hàng của mình chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tín dụng cho người thụ hưởng khác. Các chứng từ trong L/C chuyển nhượng nên được yêu cầu để có thể được sử dụng theo như L/C gốc.
Người thụ hưởng trung gian có quyền thay thế hóa đơn của L/C chuyển nhượng bằng hóa đơn của mình. Số tiền bảo hiểm cho việc chuyển nhượng nên lập bằng với số tiền bảo hiểm trong L/C gốc. Thư tín dụng chỉ có thể được chuyển nhượng giống như các điều khoản quy định trong L/C gốc.
Thư tín dụng giáp lưng (Back-to-Back Letter of Credit). Là một tín dụng mới mở dựa trên cơ sở một thư tín dụng đã có – tín dụng không chuyển nhượng (tín dụng gốc) – cho một người thụ hưởng khác.
L/C giáp lưng là một loại thư tín dụng biệt lập được mở trên cơ sở của L/C gốc (cùng với điều kiện của L/C gốc) còn gọi là L/C thứ 2 trên cơ sở một L/C thứ nhất. L/C giáp lưng cũng được dung trong mua bán qua trung gian như L/C chuyển nhượng.
Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C). Là loại L/C chỉ có hiệu lực khi có 1 L/C khác đối ứng với nó đã được phát hành. L/C này được sử dụng trong giao dịch hàng đổi hàng và gia công hàng xuất khẩu. Cả 2 bên đều là người mua, người bán của nhau.
Đặc điểm nổi bật của thư tín dụng này là điều khoản thanh toán. Trong quy định việc chấp nhận và/hoặc thanh toán của L/C này chỉ có hiệu lực sau khi ngân hàng phát hành nhận đủ số tiền theo quy định trong L/C kia. Hiểu cách khác là hai thư tín dụng này có mối quan hệ phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau.
Nội dung chính của thư tín dụng L/C
Nội dung chính có trong một thư tín dụng gồm những thông tin dưới đây:
- Số hiệu, địa điểm, ngày mở L/C.
- Loại L/C.
- Tên và địa chỉ các bên liên quan: người yêu cầu mở L/C, người hưởng lợi, các ngân hàng…
- Số tiền, loại tiền.
- Thời hạn hiệu lực, thời hạn trả tiền, và thời hạn giao hàng.
- Điều khoản giao hàng: điều kiện cơ sở giao hàng, nơi giao hàng…
- Nội dung về hàng hóa: tên, số lượng, trọng lượng, bao bì…
- Những chứng từ người hưởng lợi phải xuất trình: hối phiếu, hóa đơn thương mại, vận đơn, chứng từ bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ…
- Cam kết của ngân hàng mở thư tín dụng.
- Những nội dung khác.
Quy trình thanh toán bằng thư tín dụng L/C
Các bên liên quan trong quy trình này gồm:
- Người yêu cầu mở L/C = Applicant (Người Nhập Khẩu)
- Ngân hàng mở L/C = Opening Bank = Issuing Bank (Ngân hàng của người Nhập Khẩu)
- Ngân hàng thông báo L/C = Advising Bank = Notifying Bank (Ngân hàng của người Xuất Khẩu) Người thụ hưởng = Beneficiary (Người Xuất Khẩu).
Theo quy trình được trình bày trong hình thì gồm có 9 bước như sau:
Quy trình 1. Người nhập khẩu căn cứ vào điều khoản thanh toán trong hợp đồng sẽ yêu cầu ngân hàng mở mở L/C:
- Hồ sơ gửi cho ngân hàng như sau:
- Thư yêu cầu phát hành L/C (theo Mẫu của ngân hàng)
- Một bản sao hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc giấy tờ có giá trị tương đương như hợp đồng.
- Một bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp giao dịch lần đầu)
- Giấy phép nhập khẩu (nếu có).
Đồng thời thực hiện Ký quỹ cho ngân hàng: từ 0% đến 100% trị giá lô hàng.
- L/C phát hành bằng vốn tự có, người nhập khẩu ký quỹ 100%.
- L/C phát hành bằng vốn tự có, người nhập khẩu không ký quỹ đủ 100% hoặc có yêu cầu miễn, giảm mức ký quỹ thì người nhập khẩu sẽ liên hệ với bộ phận tín dụng nghiên cứu xem xét hoặc ngân hàng sẽ cung cấp cho người nhập khẩu trong từng thời kỳ.
- L/C phát hành bằng vốn mà người nhập khẩu vay.
- Riêng đối với L/C nhập khẩu bằng vốn vay của Chính Phủ, ODA, ngoài những quy định đã nêu ở trên người nhập khẩu cần gửi cho ngân hàng những giấy tờ như: Phê duyệt sử dụng vốn vay Chính phủ, ODA của bộ Tài chính; phê duyệt Hợp đồng của Tổ chức tài trợ vốn
Quy trình 2. Ngân hàng mở căn cứ vào đơn này sẽ mở L/C và gửi L/C cho ngân hàng thông báo.
- Thông thường, khi có bản nháp của L/C, ngân hàng mở sẽ gửi trước cho người nhập khẩu xem và kiểm tra, người nhập khẩu sẽ gửi bản nháp cho người xuất khẩu xem và kiểm tra
- Nếu L/C có vấn đề (không đúng như hợp đồng) thì người xuất khẩu sẽ tham vấn ngân hàng thông báo, sau đó yêu cầu người nhập khẩu làm việc với ngân hàng mở để hoàn thiện. Chỉnh sửa L/C cho đúng.
- L/C thường là bản bằng mã điện SWIFT.
Quy trình 3. Ngân hàng Thông báo kiểm tra L/C và chuyển L/C cho người xuất khẩu:
- Thông thường, đây là bản scan, không cần bản gốc.
- Người xuất khẩu không nên nhận L/C và làm việc trực tiếp với ngân hàng mở mà nên làm việc thông qua ngân hàng thông báo.
- Ngân hàng thông báo có trách nhiệm hỗ trợ người bán kiểm tra L/C. Nhưng nếu mã điện tín là giả, L/C là giả, ngân hàng Thông báo được miễn trách trước người xuất khẩu về hậu quả của L/C giả này.
Quy trình 4. Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu theo L/C quy định
Kể từ thời điểm này, người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình (giao hàng và thanh toán) theo L/C và còn các trách nhiệm khác thì vẫn thực hiện theo hợp đồng giữa hai bên
Quy trình 5. Người xuất khẩu lập bộ chứng từ của lô hàng và giao cho ngân hàng thông báo.
Nhà xuất khẩu có trách nhiệm lập và giao bộ chứng từ cho nhân hàng thông báo.
Quy trình 6. Ngân hàng thông báo kiểm tra và gửi/xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng mở.
- Ngân hàng thông báo chịu trách nhiệm kiểm tra và báo cho người xuất khẩu biết nếu có sai sót trong chứng từ, đồng thời tư vấn cho người xuất khẩu biện pháp khắc phục các sai sót này. Nếu ngân hàng thông báo xác nhận chứng từ hợp lý hợp lệ đầy đủ (theo thông lệ của ngân hàng) nhưng cuối cùng, ngân hàng mở lại charge/thu phí bất hợp lệ bộ chứng từ (hoặc nặng hơn là từ chối thanh toán) thì ngân hàng thông báo phải chịu một phần trách nhiệm với người xuất khẩu trong việc chia sẻ chi phí này (tuỳ mối quan hệ giữa người xuất khẩu và ngân hàng thông báo).
- Việc kiểm tra bộ chứng từ xem có phù hợp với yêu cầu của L/C hay không rất quan trọng. Vì về bản chất lúc này thì chính ngân hàng mở là bên đang “sở hữu” lô hàng, nên học kiểm tra rất gắt gao về Bộ chứng từ. Mặc dù trước đó thì người xuất khẩu cũng đã gửi bản nháp/draft + scan bản gốc của Bộ chứng từ gửi cho người nhập khẩu kiểm. Người nhập khẩu đã kiểm tra/xác nhận là chứng từ ổn, hợp lệ. Nhưng nếu chứng từ chưa đúng như yêu cầu của ngân hàng mở thì ngân hàng mở vẫn từ chối thanh toán.
Quy trình 7. Ngân hàng mở sẽ kiểm tra chứng từ, nếu bộ chứng từ phù hợp với L/C thì ngân hàng mở sẽ trả tiền/chuyển tiền cho ngân hàng thông báo.
Việc trả tiền này là chính ngân hàng mở dùng tiền của mình để trả cho người xuất khẩu;
Nếu không trả tiền ngay, thì ngân hàng mở sẽ Ký Chấp nhận vào Hối phiếu và gửi ngược lại Hối phiếu đã được ký Chấp nhận này cho ngân hàng thông báo. Ngân hàng thông báo gửi Hối phiếu đã được ký chấp nhận này cho người xuất khẩu giữ. Đáo hạn thanh toán, người xuất khẩu sẽ gửi Hối phiếu này cho ngân hàng thông báo để ngân hàng này thu tiền từ ngân hàng mở.
Quy trình 8. Ngân hàng thông báo báo tiền đã vào tài khoản cho người xuất khẩu.
Quy trình 9. Ngân hàng mở sẽ xuất trình bộ chứng từ để người nhập khẩu kiểm tra và giao chứng từ cho người nhập khẩu nhận hàng.
Thực tế là ngân hàng sẽ scan bản gốc và gửi cho người nhập khẩu qua email để người nhập khẩu kiểm tra trước. Sau đó, người nhập khẩu sẽ nhận bộ chứng từ của lô hàng tại trụ sở ngân hàng. Sau khi nhận chứng từ người nhập khẩu cần kiểm tra đối chiếu giữa nội dung L/C với các chứng từ nhận được, trường hợp có những khác biệt giữa L/C với chứng từ trong vòng 03 ngày làm việc người nhập khẩu cần thông báo gấp cho ngân hàng mở để ngân hàng mở khiếu nại ngân hàng thông báo và bên người nhập khẩu. Trường hợp khiếu nại kiểu này ít xảy ra vì ngay từ đầu, người xuất khẩu đã chủ động gửi chứng từ nháp cho người nhập khẩu xem và xác nhận.
Ngân hàng sẽ chỉ giao chứng từ cho người nhập khẩu khi người nhập khẩu thanh toán đủ tiền hàng còn thiếu (nếu lúc trước mới chỉ ký quỹ một phần để mở L/C) và các chi phí liên quan (nếu có). Đồng thời khi đó, ngân hàng mở sẽ ký hậu vào vận đơn gốc và làm một Uỷ quyền nhận hàng để người nhập khẩu nhận được hàng (vì lúc này B/L ghi Consignee là theo lệnh của Ngân hàng).
Nếu không dùng vận đơn gốc/chưa có vận đơn gốc, ngân hàng mở sẽ thực hiện một Bảo lãnh nhận hàng đến hãng tàu để người nhập khẩu có thể nhận hàng theo L/C.
Nếu người nhập khẩu không có khả năng thanh toán số tiền còn thiếu, ngân hàng mở lại tiếp tục cho vay phần còn thiếu hoặc hoá giá/sở hữu luôn bộ chứng từ này (sở hữu hàng) và thực hiện việc bán lại lô hàng cho bên khác với tư cách là người sở hữu thực sự của lô hàng lúc này.
Bản chất của thư tín dụng L/C
Vì thư tín dụng L/C là một phương thức thanh toán liên quan đến việc xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. Cho nên người xuất khẩu (bên bán) sẽ được bảo đảm thanh toán nếu xuất trình tại ngân hàng bộ chứng từ phù hợp với quy định đề ra.Phương thức thanh toán bằng L/C cũng có thể được hiểu là một khoản tạm ứng mà ngân hàng dành cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu. Do vậy, bản chất của thư tín dụng L/C là:
- Chỉ có những tổ chức tín dụng mới có quyền thực hiện các giao dịch này.
- Do có tính độc quyền của ngân hàng, giao dịch thanh toán này chỉ có thể được thực hiện thường xuyên bằng các tổ chức tín dụng.
Các bên tham gia thư tín dụng L/C
- Người xin mở thư tín dụng chứng từ (Applicant). Là người mua, người nhập khẩu hàng hóa.
- Người hưởng lợi thư tín dụng (Beneficiary). Là người bán, người xuất khẩu hàng hóa.
- Ngân hàng mở thư tín dụng (Issuing bank). Là ngân hàng đại diện cho người nhập khẩu có thể cấp tín dụng cho người nhập khẩu.
- Ngân hàng thông báo thư tín dụng. Thường là ngân hàng đại lý của ngân hàng mở thư tín dụng hoặc ngân hàng bên bán.
- Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank), ngân hàng chiết khấu (Negotiating bank), ngân hàng trả tiền (Reimbursing Bank). Các ngân hàng này có thể có hoặc không tùy thuộc vào yêu cầu của người mua trong đơn xin mở L/C và sự ủy nhiệm của ngân hàng mở L/C.
Điều kiện mở thư tín dụng L/C là gì?
Ðể được mở thư tín dụng L/C, bên xuất/nhập khẩu phải nộp tại ngân hàng các giấy tờ sau:
- Giấy đăng ký kinh
- Tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng ( muốn mở tài khoản phải đóng ít nhất 500 USD vào tài khoản chuẩn bị mở) cùng với các giấy tờ sau:
- Quyết định thành lập Công.
- Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Kế toán trưởng.
Nguồn vốn đảm bảo thanh toán L/C
Khi quy định điều khoản thanh toán bằng L/C trong hợp đồng, khách hàng cần xem xét nguồn vốn để thanh toán cho L/C mà mình sẽ yêu cầu NHCTVN mở:
- L/C phát hành bằng vốn tự có, khách hàng phải ký quỹ 100%
- L/C phát hành bằng vốn tự có, khách hàng không ký quỹ đủ 100% và/hoặc có yêu cầu miễn, giảm mức ký quỹ, đề nghị Quý khách liên hệ với bộ phận Tín dụng thẩm định nghiên cứu xem xét và được Giám đốc hoặc người được Giám đốc uỷ quyền phê duyệt trước khi chuyển sang phòng TTQT thực hiện.
- L/C phát hành bằng vốn vay của NHCTVN: Quý khách liên hệ với bộ phận Tín dụng thẩm định để xem xét.
Yêu cầu mở L/C
Khách hàng điền đầy đủ thông tin vào Đơn yêu cầu mở L/C. Vì ngân hàng mở L/C theo yêu cầu của người nhập khẩu, do vậy Quý khách nên xem xét kỹ nội dung hợp đồng để đảm bảo khi đưa vào L/C không bị mâu thuẫn.
Hồ sơ xin mở L/C
- Đơn yêu cầu mở L/C.
- Quyết định thành lập doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp giao dịch lần đầu)
- Đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp giao dịch lần đầu)
- Đăng ký mã số xuất nhập khẩu nếu có (đối với doanh nghiệp giao dịch lần đầu)
- Hợp đồng ngoại thương gốc (trường hợp ký hợp đồng qua FAX thì đơn vị phải ký và đóng dấu trên bản phôtô).
- Hợp đồng nhập khẩu uỷ thác (nếu có).
- Giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương Mại (nếu mặt hàng nhập khẩu thuộc Danh mục quản lý quy định tại Quyết định điều hành xuất nhập khẩu hàng năm của Thủ tướng Chính Phủ).
- Cam kết Thanh toán, Hợp đồng Tín dụng (trường hợp vay vốn), công văn phê duyệt cho mở L/C trả chậm của NHCTVN (trường hợp mở L/C trả chậm).
- Hợp đồng mua bán ngoại tệ (nếu có).
- Bản giải trình mở L/C do phòng Tín dụng của Chi nhánh lập được Giám đốc chi nhánh hoặc người được Giám đốc uỷ quyền phê duyệt (trường hợp ký quỹ dưới 100% trị giá L/C).
Tất cả các chứng từ trên đều phải xuất trình bản gốc và lưu lại Chi nhánh bản photo có đóng dấu treo của doanh nghiệp. Riêng các chứng từ sau sẽ phải lưu bản gốc:
- Cam kết thanh toán
- Hợp đồng vay vốn
- Hợp đồng mua bán ngoại tệ
- Đơn xin mở L/C của khách hàng
- Bản giải trình mở L/C
Ưu và nhược điểm của thư tín dụng L/C
Đối với người xuất khẩu
Ưu điểm.
- Ngân hàng sẽ thanh toán đúng như trong thư tín dụng bất kể việc người mua có trả tiền hay không.
- Hạn chế việc chậm trễ trong chuyển chứng từ
- Khách hàng có thể chiết khấu L/C để có tiền trước sử dụng cho việc thực hiện hợp đồng.
Nhược điểm.
- Nếu không xuất trình bộ chứng từ theo quy định trong L/C sẽ không được thanh toán tiền hàng.
Đối với người nhập khẩu
Ưu điểm.
- Chỉ khi nhận được hàng thì người mua mới trả tiền.
- Người nhập khẩu yên tâm rằng người bán sẽ phải tuân thủ quy định trong L/C để đảm bảo được thanh toán, nếu không người bán sẽ mất tiền.
Nhược điểm.
- Thư tín dụng hoạt động độc lập với hợp đồng mua bán và làm việc theo bộ chứng từ. Cho nên, nếu doanh nghiệp xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ phù hợp thì ngân hàng phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán mà không quan tâm liệu hàng hóa thực tế có được giao đúng hay không, thậm chí hàng hóa không được giao.
Đối với Ngân hàng
Ưu điểm.
- Thu phí dịch vụ (Phí mở L/C, chuyển tiền, phí chỉnh sửa L/C…).
- Mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.
Nhược điểm.
- Quy trình thanh toán rất tỷ mỷ, máy móc, các bên tiến hành đều rất thận trọng trong khâu lập và kiểm tra chứng từ. Chỉ cần có một sai sót nhỏ trong việc lập và kiểm tra chứng từ cũng là nguyên nhân để từ chối thanh toán. Đối với Ngân hàng phát hành, sai sót trong việc kiểm tra chứng từ cũng dẫn đến hậu quả rất lớn.
Lưu ý khi sử dụng L/C
Cơ sở viết đơn là hợp đồng mua bán ngoại thương đã ký kết nhưng nhà nhập khẩu có thể thêm một số nội dung có lợi cho mình.
Trên đơn phải có chữ ký của Giám đốc và Kế toán trưởng đơn vị nhập khẩu. Nếu thực hiện nhập khẩu uỷ thác thì trên đơn xin mở L/C phải có đầy đủ 4 chữ ký: chữ ký của Giám đốc và Kế toán trưởng đơn vị nhập khẩu uỷ thác và chữ ký của Giám đốc và Kế toán trưởng của đơn vị nhận uỷ thác .
Ðể tránh L/C phải tu chỉnh nhiều lần mất thời gian và tốn kém, nhà nhập khẩu có thể fax đơn xin mở L/C đến nhà xuất khẩu xem trước và xin ý kiến.
Nhà nhập khẩu nên xem L/C bản gốc và đề nghị tu chỉnh nếu cần để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Mối quan hệ giữa Thư tín dụng và Hợp đồng ngoại thương
Thư tín dụng L/C hoạt động độc lập với hợp đồng ngoại thương mặc dù L/C được hình thành dựa trên cơ sở hợp động mua bán giữa 2 bên. Và các ngân hàng làm việc với nhau trên cơ sở chứng từ, chứ không quan tâm hàng hóa. Bên cạnh đó, bên người mua mở L/C, và người thụ hưởng đòi tiền ngân hàng phát hành L/C.
Thư tín dụng L/C là một loại giấy tờ quan trọng để đảm bảo tính uy tín, khả năng hoàn trả của người nhập khẩu cũng như đảm bảo tính rủi ro giúp cho người xuất khẩu. Như vậy trong bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu những khái niệm về LC là gì và những thông tin quan trọng xung quanh chủ đề này. Cảm ơn các bạn theo dõi bài viết, tiếp tục cập nhật những chủ đề mới, những câu hỏi mới trong chuyên mục Là gì của La Factoria Web nhé.