GDP là gì? Tại sao chỉ số GDP lại thường được nhắc đến khi nói về sự phát triển của một nền kinh tế trên vùng lãnh thổ hay quốc gia nhất định? Có thể với những người có liên quan đến kinh tế thì không còn lạ nhưng đã hiểu đầy đủ và chi tiết nhất hay chưa?
GDP là một chỉ số kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia hay trên toàn cầu, vậy nó thể hiện điều gì trong số liệu đó? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về GDP để có một chút thông tin hữu ích cho bạn nhé
GDP là gì?
GDP viết tắt của Gross Domestic Product là tổng sản phẩm nội địa, hay tổng sản phẩm quốc nội, được tính bằng giá trị thị trường (tức là giá trị bằng tiền) của tất cả hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định thường là tính trên một quốc gia trong một thời kỳ nhất định thường là một năm.
Sản phẩm, hàng hóa cuối cùng chỉ những hàng hóa được đưa đến và tiêu thụ cuối cùng bởi người tiêu dùng, không phải là những sản phẩm được sử dụng như là sản phẩm trung gian hay là nói cách khác là dùng tiếp vào một quá trình sản xuất ra sản phẩm khác tiếp theo nữa.
Ví dụ, một chiếc xe máy đem bán cho người tiêu dùng thì xe máy đó được xem là sản phẩm cuối cùng; còn những bộ phận trên xe máy như: yên xe, bánh xe, bình điện,… mà nhà sản xuất bán cho nhà máy lắp ráp xe máy được xem là sản phẩm trung gian.
GDP là một trong những chỉ số kinh tế cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia, một vùng lãnh thổ nào đó.
Đối với các đơn vị hành chính khác của Việt Nam, thường sử dụng từ viết tắt GDP hoặc tổng sản phẩm trong tỉnh/huyện.
GDP bình quân đầu người là gì?
GDP bình quân đầu người tại một thời điểm bằng GDP của quốc gia chia cho dân số đang sống và làm việc tại quốc gia cụ thể, ngay cùng thời điểm đó.
Chỉ số này dùng để phản ánh chính xác mức thu nhập, đời sống người dân quốc gia đó ở mức độ tương đối.
Ý nghĩa của chỉ số GDP
GDP hay còn được gọi là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội.Tất cả những sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề đều được tính bởi giá trị GDP thậm chí cả công ty nước ngoài ở trong quốc gia đó.
Chỉ số GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của một vùng hay một quốc gia, đồng thời cũng thể hiện sự biến động của sản phẩm hay dịch vụ theo thời gian.
Sự suy giảm GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế của quốc gia đó, dẫn đến suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá,…
GDP suy giảm còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thông qua chỉ số GDP bình quân đầu người, chúng ta biết được mức thu nhập tương đối, hay chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia trên thế giới.
Cách tính GDP
Phương pháp chi tiêu
Phương pháp chi tiêu – Tính tổng chi tiêu: là một phương pháp thực hiện tính toán GDP chính xác nhất.
Phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia này được thực hiện bằng cách cộng tất cả số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó dùng để mua sắm và sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Công thức: GDP = C + G + I + NX
Trong đó:
– C biểu thị cho: Chi tiêu của hộ gia đình, bao gồm tất cả các chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ của hộ gia đình. (xây nhà và mua nhà không được tính vào tiêu dùng mà được tính là đầu tư cá nhân).
– G biểu thị cho: Chi tiêu của chính phủ – government purchases (G), là các khoản chi tiêu của Chính phủ chi cho quốc phòng, luật pháp, đường xá, cầu cống, giáo dục, y tế,…. Chi tiêu chính phủ không bao gồm các khoản chuyển giao thu nhập hay gọi là các khoản trợ cấp như trợ cấp cho người tàn tật, người nghèo,…
– I biểu thị cho Tổng đầu tư: là khoản tiêu dùng của các nhà đầu tư, bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị, nhà xưởng, đóng gói,….
– NX biểu thị cho: Cán cân thương mại, hay gọi là “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế.
NX = X(xuất khẩu [export]) – M (nhập khẩu [import]).
Phương pháp thu nhập (Phương pháp chi phí)
Tính theo thu nhập – Phương pháp chi phí: Phương pháp này tính GDP bằng cách tính tổng tiền lương, tiền lãi, lợi nhuận và tiền thuê sinh ra trong nền kinh tế nội địa.
Cách tính theo công thức sau:
GDP = W + I + Pr + R + Ti + De
Trong đó:
+ W (Wage): tiền lương
+I (Interest): tiền lãi
+ Pr (Profit): lợi nhuận
+ R (Rent): tiền thuê
+ Ti (Indirect tax): thuế gián thu ròng
+ De (Depreciation): phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định, sự hao mòn tài sản sau một thời gian sử dụng, đó là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh đó có thể là hao mòn tự nhiên hoặc do tiến bộ khoa học công nghệ.
Phương pháp giá trị gia tăng
Phương pháp tính theo giá trị gia tăng là tính tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một thời gian nhất định.
Ta có công thức:
Tổng sản phẩm quốc nội = Giá trị tăng thêm + thuế nhập khẩu
Hay theo công thức sau:
GDP = Giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu
Giá trị gia tăng của từng ngành kinh tế gồm có:
– Thu nhập của người sản xuất: tiền lương, tiền công, tiền hiện vật, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn,…
– Thuế sản xuất: thuế hàng hóa + các chi phí khác.
– Khấu hao tài sản cố định
– Giá trị thặng dư
– Thu nhập khác
Ý nghĩa của việc tính GDP
Việc phân tích, tính toán GDP để đưa ra chỉ số GDP chính xác, để dựa vào đó xây dựng thành lập các chiến lược phát triển kinh tế ngắn hạn cũng như dài hạn. Chỉ số GDP chính là thước đo đánh giá tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia.
Ngoài ra việc tính GDP đầu người, để thông qua đó người ta biết được mức thu nhập tương đối cũng như đánh giá chất lượng sống của người dân ở từng quốc gia.
Phân biệt GDP danh nghĩa và GDP thực tế
GDP danh nghĩa
GDP danh nghĩa trong tiếng Anh là Nominal Gross Domestic Product, viết tắt là Nominal GDP.
GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội được tính theo giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng tính theo giá thị trường hiện tại. Sản phẩm sản xuất ra trong thời kỳ nào thì lấy giá của thời kỳ đó. Do vậy còn gọi là GDP theo giá hiện hành.
Sự gia tăng của GDP danh nghĩa hàng năm có thể do lạm phát. Trên thực tế, theo thời gian thì giá cả sẽ có xu hướng đi lên và tất nhiên cũng có tác động nhất định đến chỉ số GDP. Tuy nhiên rất khó để xác định là do mở rộng sản xuất hay do giá cả leo thang mà giá cả lại tăng lên như vậy, nên các nhà kinh tế học đã đưa ra một sự điều chỉnh cho lạm phát để từ đó, họ có thể tìm ra GDP thực tế của một quốc gia.
GDP danh nghĩa được tính như sau:
GDPin=∑QitPit
Trong đó:
+ i: loại sản phẩm thứ i với i =1,2,3…, n
+ t: thời kỳ tính toán
+ Q (quantum): số lượng sản phẩm; Qi: số lượng sản phẩm loại i
+ P (price): giá của từng mặt hàng; Pi: giá của mặt hàng thứ i.
GDP danh nghĩa khác với GDP thực ở chỗ GDP danh nghĩa bao gồm những thay đổi về giá do lạm phát, phản ánh tốc độ tăng giá của một nền kinh tế.
GDP thực tế
GDP thực tế là tổng sản phẩm quốc nội được tính theo sản lượng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng trong năm lấy để nghiên cứu, giá cả cũng được tính theo năm đó nên chỉ số này còn có tên gọi khác là GDP theo giá so sánh.
Theo cách tính toán về tài chính tiền tệ thì GDP thực tế là kết quả của phép trừ:
GDP tiềm năng trừ chỉ số lạm phát CPI trong cùng một khoảng thời gian dùng để tính toán chỉ số GDP đó.
GDP thực tế được tính toán đưa ra, nhằm điều chỉnh lại của những sai lệch như: sự mất giá của đồng tiền trong việc tính toán GDP danh nghĩa, để có thể ước lượng chuẩn hơn số lượng thực sự của hàng hóa và dịch vụ tạo thành GDP.
GDP danh nghĩa đôi khi được gọi là “GDP tiền tệ” trong khi GDP thực tế được gọi là GDP “giá cố định” hay GDP “điều chỉnh lạm phát” hoặc “GDP theo giá năm gốc”.
Phân biệt GDP với GNP
GNP là gì?
GNP là viết tắt của Gross National Product, được gọi là Tổng sản lượng quốc gia hay Tổng sản phẩm quốc gia – đây là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà công dân của một nước sản xuất ra, làm ra trong một khoảng thời gian nào đó, thông thường là một năm, sản phẩm đó có thể làm ra ở trong nước hay ngoài nước đều được tính vào.
GNP là một chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước.
Giống nhau giữa GDP và GNP
Cả hai đều là chỉ số được định nghĩa và dùng trên toàn cầu
Được dùng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô
Chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế của mỗi quốc gia
Được tính theo những công thức xác định
Đều là con số kết quả cuối cùng của quốc gia/năm
Khác nhau giữa GDP và GNP
GNP là chỉ số phản ánh tổng sản phẩm quốc dân. Chỉ số GNP là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong thời gian 1 năm. Công dân quốc gia đó có thể tạo ra các giá trị ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đó.
GDP là chỉ số tổng sản phẩm quốc nội, là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó tạo ra trong khoảng thời gian nhất định thường là một năm.
Các thành phần kinh tế đóng góp vào chỉ số GDP bao gồm cả các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. Vì thế, để đánh giá sức mạnh nền kinh tế một quốc gia, người ta thường dựa vào chỉ số GDP.
Ví dụ rõ ràng hơn là một nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản đặt nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa thì khi đó, tất cả các khoản thu nhập của nhà máy sau khi đã bán giày đi được tính vào chỉ số GDP của Việt Nam. Nhưng lợi nhuận mà nhà máy này thu được sau khi đã trừ đi thuế, quỹ phúc lợi và lương người lao động Nhật làm việc cho nhà máy được tính vào GNP của Nhật.
Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng GDP
Chiều ảnh hưởng của lạm phát đến tăng trưởng thể hiện rõ hơn nhưng không thấy tác động ở chiều ngược lại là tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến lạm phát.
Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát là mối quan hệ dài hạn, nếu không có bất kỳ cú sốc hay tình huống mang các kịch bản khác nhau nào của nền kinh tế diễn ra thì lạm phát vẫn tác động tới tăng trưởng kinh tế một mức trung bình khoảng 10%. Ngưỡng lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam hợp lý là 3,5%/năm theo các chuyên gia kinh tế nghiên cứu hiện nay đưa ra (nguồn Internet), nếu mức lạm phát được duy trì dưới 3,5%/năm thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn trường hợp mức lạm phát cao hơn mức tối ưu này thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Như vậy lạm phát có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vì làm giảm năng suất lao động. Tuy nhiên lạm phát ở mức nhẹ dưới 3,5%/năm sẽ có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Hạn chế của GDP
GDP được tính dựa trên những dữ liệu chính thức thống kê được. Nên nó không tính đến, không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức như: việc làm ngoài giấy tờ, hoạt động thị trường chợ đen, công việc tình nguyện và sản xuất hộ gia đình.
GDP không tính đến lợi nhuận kiếm được trong một quốc gia bởi các công ty nước ngoài. Điều này có thể vượt quá sản lượng kinh tế thực tế của một quốc gia.
GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới, bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu và giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp.
Sự tăng trưởng GDP không thể đo lường chính xác sự phát triển của một quốc gia hay sức khỏe của đời sống công dân trong quốc gia đó. Đó là vì GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia: Không phản ánh đầy đủ các hoạt động sản xuất (tự cung, tự cấp, không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa). GDP bỏ qua chất lượng môi trường (tiếng ồn, khói bụi, giao thông…) và thời gian nghỉ ngơi chưa được tính đến.
Trong quá trình phát triển của một quốc gia vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề xoay quanh như nó không thể tính được chi phí về môi trường, cũng không đo lường được hạnh phúc xã hội, những mặt hàng không được ghi lại, không được đánh thuế và không có mặt trong báo cáo hồ sơ của quốc gia, còn cả những dịch vụ chưa thanh toán đều chưa được tính.
GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong thời gian qua
Nền kinh tế Việt Nam không những đạt mức tăng trưởng cao, mà cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là nền kinh tế lớn thứ 6/11 trong khu vực Đông Nam Á, lớn thứ 44 trên thế giới xét theo quy mô GDP danh nghĩa hoặc lớn thứ 35 nếu xét GDP theo sức mua tương đương (theo các số liệu thống kê của năm 2019), đứng thứ 130 xét theo thu nhập bình quân đầu người hoặc đứng thứ 122 nếu tính GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương.
Tổng sản phẩm nội địa GDP năm 2019 đạt 300,8 tỷ USD theo danh nghĩa thực tế hoặc 710,3 tỷ USD tính theo sức mua tương đương. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 3.123 USD/người, xếp hạng 7/11 ở Đông Nam Á ước tính 2019 – (nguồn theo Wikipedia).
Tỉ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 17% của năm 2015 xuống 13,96% vào năm 2019, trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 39,73% của năm 2015 lên 41,17% vào năm 2018 và 41,64 % trong năm 2019; tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì ổn định ở mức 33 – 34,5% từ năm 2015 đến năm 2019.
Tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011- 2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4791 USD/lao động), tăng 6,2% so với năm trước theo giá so sánh. (Nguồn trên Internet)
Bảng xếp hạng GDP toàn cầu – Top 10 quốc gia có GDP đứng đầu giai đoạn 2019 – 2020
- United States of America (Mỹ):
GDP danh nghĩa: 21,3 nghìn tỷ USD
GDP (PPP): 21 nghìn tỷ USD
- China ( Trung Quốc):
GDP danh nghĩa: 14,2 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 27,3 nghìn tỷ đô la
- Japan (Nhật)
GDP danh nghĩa: 5,18 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 5,75 nghìn tỷ đô la
- Germany ( Đức)
GDP danh nghĩa: 4 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 4.356 nghìn tỷ đô la
- India (Ấn Độ)
GDP danh nghĩa: 2.972 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 11.468 nghìn tỷ đô la
- United Kingdom (Anh)
GDP danh nghĩa: 2,829 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 3.128 nghìn tỷ đô la
- France (Pháp)
GDP danh nghĩa: 2.761 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 3.054 nghìn tỷ đô la
- Italy (Ý)
GDP danh nghĩa: 2,072 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 2,394 nghìn tỷ đô la
- Brazil
GDP danh nghĩa: 1,847 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 3,456 nghìn tỷ đô la
- Canada
GDP danh nghĩa: 1,82 nghìn tỷ đô la
GDP (PPP): 1,93 nghìn tỷ đô la
(Các thông tin trên theo số liệu thống kê của Wikipedia)
GDP hay tổng sản phẩm quốc nội, một chỉ số kinh tế thể hiện sự phát triển của một quốc gia, một chỉ số buộc các nhà quản lý kinh tế luôn phải theo dõi và tính toán, để làm cơ sở cho những kế hoạch cũng như bước tiến của nền kinh tế vĩ mô trong tương lai.
Hàng năm chỉ số này phải được tính toán cho dù là một nền kinh tế nhỏ hay một nền kinh tế lớn trên thế giới, nó cũng đều thể hiện ý nghĩa như nhau, dường như là không thể thiếu.
Giờ thì bạn đã hiểu GDP tại sao lại quan trọng và được quan tâm nghiên cứu nhiều như vậy.